Tiền mã hóa lần đầu vượt mốc vốn hóa 4.000 tỷ USD

Thị trường tiền mã hóa vừa ghi nhận cột mốc lịch sử khi tổng giá trị vốn hóa lần đầu cán mốc 4.000 tỷ USD.

Diễn biến này được thúc đẩy bởi tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, sự gia tăng dòng vốn từ các tổ chức tài chính lớn và khung pháp lý mới vừa được ban hành tại Mỹ.

Ngày 18/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký ban hành Đạo luật Genius Act, thiết lập khung pháp lý đầu tiên dành riêng cho stablecoin – một loại tiền số gắn với tiền pháp định. Động thái này đã ngay lập tức tạo cú hích lớn cho thị trường tiền mã hóa toàn cầu.

Sau khi đạo luật được công bố, giá Bitcoin có lúc vượt 120.000 USD, lập đỉnh mới mọi thời đại. Tuy giảm nhẹ 1,8% vào cuối phiên, Bitcoin vẫn giữ vị trí thống trị với vốn hóa hơn 2.300 tỷ USD. Đồng Ethereum – tiền mã hóa lớn thứ hai – tăng mạnh 4,5%, nâng tổng mức tăng trong ba tháng qua lên hơn 100%.

tien so_voh
Thị trường tiền mã hóa cán mốc 4.000 tỷ USD sau khi Mỹ ban hành Đạo luật Genius Act. - Ảnh: Reuters.

Tính đến cuối phiên ngày 18-7, tổng vốn hóa thị trường tiền số đạt 3.920 tỷ USD, tiệm cận ngưỡng kỷ lục 4.000 tỷ USD được thiết lập trong ngày. Đây là lần đầu tiên thị trường chạm đến con số này, đánh dấu bước tiến vượt bậc so với mức dưới 1.000 tỷ USD hồi đầu năm 2023.

Nhiều tổ chức đầu tư lớn cũng đẩy mạnh tham gia thị trường, thông qua các sản phẩm quỹ hoán đổi danh mục (ETF) liên quan đến Bitcoin và Ethereum. Các công ty công nghệ và tài chính niêm yết như Tesla, MicroStrategy, Block hay Meta đang gia tăng tỷ trọng nắm giữ tiền mã hóa trong bảng cân đối kế toán.

Cổ phiếu của những công ty liên quan đến thị trường tiền số cũng tăng mạnh. Coinbase – sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ – tăng 1% và lập đỉnh giá mới. Robinhood – nền tảng giao dịch cho cả cổ phiếu và tiền số – tăng 3%.

Công ty môi giới Bernstein nhận định đà tăng chưa dừng lại. Họ dự báo giá Bitcoin có thể cán mốc 200.000 USD vào cuối năm 2025, trong bối cảnh khung pháp lý ngày càng rõ ràng và tiền mã hóa tiếp tục được nhìn nhận như một loại tài sản đầu tư chính thống.

Đạo luật Genius Act được xem là nền tảng pháp lý đầu tiên của Mỹ dành cho stablecoin. Luật quy định stablecoin phải được bảo đảm hoàn toàn bằng các tài sản có tính thanh khoản cao, như đồng USD hoặc trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Các đơn vị phát hành có trách nhiệm công khai báo cáo tài sản bảo đảm mỗi tháng để tạo sự minh bạch và niềm tin cho người sử dụng.

Stablecoin là công cụ trung gian được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch tiền số vì giữ được sự ổn định về giá, giúp nhà đầu tư dễ dàng chuyển đổi giữa các tài sản kỹ thuật số. Với khuôn khổ pháp lý mới, stablecoin được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, chuyển tiền và thương mại điện tử.

Chủ tịch CoinFund, ông Chris Perkins, nhận định: "Genius Act sẽ đi vào lịch sử như một bước đệm quan trọng đưa tiền mã hóa trở thành một phần của hệ thống tài chính toàn cầu."

Cùng với Genius Act, Hạ viện Mỹ cũng vừa thông qua hai dự luật khác. Clarity Act giúp làm rõ cách phân loại các loại tài sản số, còn một dự luật khác nhằm ngăn chặn việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) do Ngân hàng Trung ương Mỹ quản lý. Đây là những động thái cho thấy nước Mỹ đang dần xây dựng hệ sinh thái pháp lý cho tiền mã hóa với hướng tiếp cận thị trường mở.

Bình luận