Thói quen ăn uống sai lầm hàng ngày

VOH - Tiêu thụ hợp lý trái cây và rau củ tươi hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ hơn 50%.

Ung thư, bệnh tim, viêm phổi, đột quỵ, tiểu đường và các bệnh hiểm nghèo khác đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng quý giá ở trên thế giới.

Theo nghiên cứu mới nhất, những căn bệnh lớn, hay còn gọi là bệnh hiểm nghèo tưởng chừng khó phòng ngừa này lại có điểm chung đáng ngạc nhiên, đó là “thói quen ăn uống sai lầm hàng ngày”.

thoi-quen-an-uong-hang-ngay-sai-lam
Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp sẽ giảm đáng kể khi mọi người chú ý hơn đến hàm lượng natri trong chế độ ăn hàng ngày của mình - Ảnh: TVBS

Chế độ ăn uống không đúng cách trong thời gian dài gây tổn hại mãn tính cho sức khỏe

Tiết Hiểu Tinh, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, theo khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe cho thấy, lượng muối trung bình sử dụng hàng ngày của người lớn Đài Loan cao tới 9-10 gram, cao gấp đôi số lượng khuyến nghị và hơn 95% người lớn không ăn đủ trái cây và rau củ, trở thành những yếu tố gây ra các bệnh mãn tính.

Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh thẳng thắn nói rằng, đây không chỉ là những lựa chọn sai lầm trong một hoặc hai bữa ăn, mà là “tổn hại mãn tính” cho sức khỏe do chế độ ăn uống sai lầm lâu dài của họ gây ra!

Thói quen ăn uống không lành mạnh có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng

Nghiên cứu đã xác nhận rằng, thói quen ăn uống không lành mạnh có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng. Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh cho biết, nghiên cứu thực nghiệm cho thấy việc tiêu thụ hợp lý trái cây và rau củ tươi hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ hơn 50%.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nutrients vào năm 2022 đã xác nhận thêm rằng, những người thường xuyên tiêu thụ thịt chế biến có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn 73% so với những người bình thường, điều này cho thấy tác động đáng kể của việc lựa chọn thực phẩm đối với sức khỏe.

Chú ý đến lượng natri nạp vào

Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh nhấn mạnh rằng, lượng muối (natri) nạp vào quá nhiều là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim mạch. Nếu lượng muối nạp vào hàng ngày có thể giảm xuống dưới 5 gram thì tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp sẽ giảm đáng kể.

Việc giảm lượng muối nạp vào hàng ngày có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở trên thế giới chẳng hạn như bệnh tim và đột quỵ, đồng thời nhắc nhở mọi người chú ý hơn đến hàm lượng natri trong chế độ ăn hàng ngày của mình.

Không thể xem nhẹ tác dụng bảo vệ của chất xơ

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng năm 2013 của Hoa Kỳ chỉ ra rằng, lượng chất xơ nạp vào cao có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ đột quỵ, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...

Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh cho rằng, việc tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt không chỉ cung cấp chất xơ trong chế độ ăn uống phong phú mà còn giúp ổn định lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác nhau.

Chế độ ăn uống giúp phòng ngừa bệnh tật

Về cách phòng ngừa các bệnh hiểm nghèo thông qua chế độ ăn uống, Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh đưa ra 3 khuyến nghị cụ thể như sau: thứ nhất, ăn thêm nhiều hơn một chén rau lá xanh đậm (như rau bina và lá khoai lang) và một khẩu phần trái cây tươi (như kiwi và quả mọng) vào mỗi bữa ăn.

Thứ hai, chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (như gạo lứt và yến mạch) thay cho gạo trắng tinh chế.

Cuối cùng, ăn cá biển sâu (như cá hồi và cá thu) 2 đến 3 lần một tuần để bổ sung axit béo omega-3 để đạt được hiệu quả chống viêm và bảo vệ tim và não.

Chuyên gia Tiết Hiểu Tinh nhấn mạnh rằng, sức khỏe không phải là chờ đợi các vấn đề xảy ra trước rồi sau đó mới tìm cách điều trị, mà là chăm sóc sức khỏe dần dần từng chút một thông qua thói quen ăn uống hàng ngày. Thông qua các lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp, chúng ta có thể giảm hiệu quả nguy cơ mắc các bệnh liên quan và tạo ra một cuộc sống khỏe mạnh và vui tươi hơn.

Bình luận