Tờ The Kyiv Post dẫn lời ông Kostenko, sắc lệnh này nhằm thực thi quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine (NSDC). Dù văn bản chính thức vẫn chưa được công bố, ông khẳng định đây là “một bước đi cần thiết mà thực tế chiến tranh đã đòi hỏi từ lâu”.
“Nga không ký Công ước Ottawa nhưng lại sử dụng mìn sát thương quy mô lớn chống lại quân đội và dân thường của chúng ta. Ukraine không thể tiếp tục bị trói tay trong khi đối phương không chịu bất kỳ giới hạn nào”, ông Kostenko lập luận.
Quyết định rút khỏi Công ước vẫn cần được đưa ra tranh luận và thông qua tại Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) trước khi có hiệu lực.

Công ước Ottawa được ký năm 1997 với sự tham gia của 164 quốc gia, trong đó có Ukraine. Hiệp ước cấm hoàn toàn việc sử dụng, sản xuất, chuyển giao và dự trữ mìn sát thương cá nhân, đồng thời yêu cầu tiêu hủy toàn bộ kho mìn hiện có. Nhiều quốc gia lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan không tham gia.
Trong bối cảnh chiến sự với Nga, quyết định của Ukraine không phải là cá biệt. Hồi đầu năm, các quốc gia NATO nằm giáp biên với Nga và Belarus như Latvia, Litva, Ba Lan và Phần Lan đều đã bỏ phiếu rút khỏi Công ước sau khi được bộ quốc phòng các nước này khuyến nghị.
Ông Laurynas Kasčiūnas, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Litva, nhận định công nghệ mìn hiện đại đã thay đổi: “Mìn có thể được điều khiển từ xa và chỉ được sử dụng trong tình huống khẩn cấp”. Theo ông, việc cấm hoàn toàn sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ trước một đối thủ sử dụng mọi loại vũ khí mà không tuân thủ luật nhân đạo.
Giới quan sát nhân quyền cảnh báo, việc khôi phục hoặc mở rộng việc sử dụng mìn sát thương là “một bước lùi nhân đạo nghiêm trọng”.

Theo báo The Telegraph (Anh), năm 2023 đã ghi nhận ít nhất 2.000 người chết do mìn trên toàn cầu trong đó 84% là dân thường và khoảng 25% là trẻ em.
Ukraine cũng là minh chứng đau lòng cho hậu quả của mìn, bất kể thiện chí. Dù đã phê chuẩn Công ước Ottawa và tiêu hủy phần lớn kho mìn hơn 20 năm trước, hiện nay hàng ngàn km² lãnh thổ nước này vẫn đang bị ô nhiễm mìn trở thành một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới sau hai năm chiến sự.
Những quốc gia từng là "nạn nhân lịch sử" của mìn như Campuchia, Angola hay Afghanistan đến nay vẫn phải chịu hậu quả với hàng chục ngàn thương vong, khuyết tật và nhiều vùng đất bị bỏ hoang.