Động thái này được đánh giá là đòn giáng mạnh vào kinh tế Ukraine và làm lung lay các chiến lược viện trợ phương Tây dựa trên tài nguyên khoáng sản của quốc gia này.
Mỏ lithium nói trên từ lâu được xem là một trong những tài sản chiến lược quan trọng của Ukraine. Lithium là nguyên tố thiết yếu trong sản xuất pin cho xe điện, hệ thống lưu trữ năng lượng và hợp kim trong ngành hàng không vũ trụ. Khi ngành công nghiệp xe điện toàn cầu bùng nổ, nhu cầu với loại tài nguyên này ngày càng tăng mạnh, khiến các mỏ lithium trở thành yếu tố then chốt trong cạnh tranh kinh tế và công nghệ.

Việc Nga giành quyền kiểm soát mỏ lithium tại Donetsk không chỉ củng cố vị thế quân sự mà còn mở ra triển vọng kinh tế cho khu vực này nếu Nga giữ được lâu dài. Đây được xem là một phần trong chiến lược dài hơi của Moscow nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên có giá trị ở những vùng lãnh thổ đang tranh chấp hoặc chịu ảnh hưởng của họ.
Ukraine nhiều lần coi các mỏ khoáng sản quý, đặc biệt là lithium, là yếu tố quan trọng trong việc thu hút viện trợ từ phương Tây. Giới chức Kyiv từng nhấn mạnh giá trị tài nguyên này khi kêu gọi sự hỗ trợ từ Mỹ và châu Âu, với hy vọng biến Ukraine thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Ông Rod Schoonover, cựu Giám đốc Bộ phận Tài nguyên và Môi trường thuộc Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, nhận định rằng các mỏ lithium cùng những khoáng sản khác ở Ukraine là một phần lý do khiến khu vực này có vị trí chiến lược đặc biệt với Nga. Quan điểm này cũng được nhiều chuyên gia phương Tây chia sẻ, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ là vấn đề quân sự mà còn gắn liền với lợi ích tài nguyên và năng lượng.
Tờ Washington Post ngày 26/6 dẫn đánh giá của một số quan chức phương Tây cho rằng triển vọng kinh tế của Ukraine trong năm 2025 đang trở nên u ám, nhất là khi kỳ vọng về một thỏa thuận ngừng bắn sớm không thành hiện thực. Nếu không có thêm các nguồn lực tài chính mới hoặc bảo đảm tài nguyên trong nước, nền kinh tế Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi.
Trong khi đó, Nga được cho là sẽ tiếp tục tập trung vào việc kiểm soát các mỏ khoáng sản tại những khu vực còn tranh chấp. Một số chuyên gia nhận định, đây sẽ là hướng đi chiến lược của Moscow khi áp lực trên các mặt trận đang dần giảm bớt, giúp họ rảnh tay củng cố quyền kiểm soát kinh tế ở những nơi chiếm ưu thế.
Từ tháng 4, khi lực lượng Ukraine chịu tổn thất nặng ở khu vực Kursk, quân đội Nga – với sự hỗ trợ của binh sĩ Triều Tiên – đã tái bố trí lực lượng về Donbass. Tại đây, Moscow liên tiếp giành được các bước tiến mới trên chiến trường, gây sức ép ngày càng lớn lên phòng tuyến của Ukraine.
Chiến dịch tại Kursk khiến quân đội Ukraine mất nhiều nhân lực, trang thiết bị và đơn vị thiện chiến. Nhiều lực lượng tinh nhuệ được điều động tham chiến tại khu vực này, dẫn đến sự suy giảm đáng kể về sức mạnh tổng thể của Ukraine trên các chiến tuyến khác, trong đó có Donetsk.