Ukraine mờ nhạt tại hội nghị NATO, phương Tây chưa tìm được tiếng nói chung về Nga

VOH - Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra tại The Hague (Hà Lan) đã khép lại với một bầu không khí được cho là êm đềm.

Tuy nhiên, phía sau đó là những khoảng trống đáng chú ý khi vấn đề Ukraine — từng là chủ đề nóng suốt ba năm qua — gần như không còn giữ vai trò trung tâm.

Nếu như tại các kỳ hội nghị trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thường được đón tiếp trọng thị và phát biểu giữa tâm điểm truyền thông, thì năm nay ông xuất hiện lặng lẽ hơn. Hình ảnh ông mặc vest đen thay cho quân phục thường thấy khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phần nào phản ánh vị thế Ukraine lúc này.

trump NATO_voh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại The Hague ngày 25/6. - Ảnh: Reuters

Nhân vật thu hút sự chú ý lớn nhất tại hội nghị là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các cuộc thảo luận chủ yếu xoay quanh việc liên minh NATO đồng thuận tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP — đề xuất từ phía Washington. Vấn đề Ukraine gia nhập NATO hay các kế hoạch viện trợ quân sự mới không được đề cập trong tuyên bố chung cuối hội nghị.

Tổng thống Zelensky và ông Trump có cuộc gặp riêng kéo dài 50 phút, nhưng không đạt được bất kỳ cam kết rõ ràng nào về lệnh ngừng bắn hay viện trợ vũ khí mới. Ông Trump chỉ nói Mỹ “có thể” sẽ gửi thêm hệ thống phòng không Patriot cho Kiev. Trước đó, tại Hội nghị G7 ở Canada, Ukraine cũng bị lu mờ khi ông Trump đột ngột rời hội nghị để xử lý khủng hoảng giữa Israel và Iran, đồng thời hủy cuộc gặp song phương với ông Zelensky.

Dù NATO đạt được sự đồng thuận về tăng ngân sách quốc phòng, lập trường của các nước thành viên đối với Nga vẫn còn nhiều khác biệt. Trong khi Tổng thống Trump nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn nhanh chóng kết thúc xung đột tại Ukraine, thì nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lại cho rằng Moscow chưa hề có thiện chí đàm phán.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cảnh báo Nga có thể hành động quân sự với một nước thành viên NATO trong vòng ba năm tới nếu liên minh không đầu tư nâng cao năng lực phòng thủ. Một quan chức cấp cao NATO cũng bày tỏ nghi ngờ về bất kỳ động thái hòa đàm thực sự nào từ phía Nga, bất chấp diễn biến trên chiến trường Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho rằng Washington tạm thời chưa mở rộng các lệnh trừng phạt với Moscow để duy trì cơ hội đàm phán, trong khi các nghị sĩ Cộng hòa khác lại kêu gọi lập trường cứng rắn hơn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban thậm chí nhận định Nga hiện không đủ mạnh để tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với NATO.

Diễn biến trên chiến trường Ukraine thời gian gần đây cũng không có tín hiệu tích cực. Các đợt tấn công mùa hè của Nga đã giúp Moscow kiểm soát thêm một số khu vực và lần đầu tiên vượt qua ranh giới vào vùng Dnipropetrovsk kể từ đầu cuộc chiến.

Giới phân tích nhận định, việc NATO thiếu một chiến lược thống nhất về mục tiêu của Nga sẽ khiến nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột trong tương lai trở nên phức tạp hơn. Ông Philippe Dickinson, Phó Giám đốc Sáng kiến An ninh xuyên Đại Tây Dương, nhận định rằng chỉ riêng thỏa thuận giữa ông Trump và ông Putin là không đủ mà cần sự đồng thuận từ châu Âu.

Kết thúc hội nghị, dù đạt được một số thỏa thuận về ngân sách quốc phòng, NATO vẫn để lộ rõ những chia rẽ trong cách tiếp cận với Nga. Trong khi đó, Ukraine đang dần bị đẩy ra khỏi trọng tâm bàn luận của phương Tây.

Bình luận