Elon Musk tuyên bố lập đảng 'Nước Mỹ': Liệu có thành công?

Ngày 5/7, tỷ phú công nghệ Elon Musk chính thức thông báo thành lập một đảng chính trị mới tại Mỹ mang tên "Nước Mỹ" (America’s Party).

Thông tin này được ông chủ Tesla và SpaceX đăng tải trên mạng xã hội X, nền tảng do chính ông sở hữu, thu hút sự chú ý lớn từ dư luận và giới chính trị Mỹ.

Trong bài đăng của mình, Musk nêu rõ: "Khi nói đến việc phá sản đất nước bằng lãng phí và tham nhũng, chúng ta không còn sống trong nền dân chủ mà đang bị chi phối bởi một hệ thống một đảng giả danh. Hôm nay, Đảng Nước Mỹ được thành lập để trả lại tự do cho người dân."

tuyboi_voh
Tuyên bố thành lập đảng Nước Mỹ của tỷ phú công nghệ Elon Musk trên tài khoản mạng xã hội X. Ảnh chụp màn hình

Động thái này diễn ra sau thời gian dài Musk có nhiều bất đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người mà ông từng ủng hộ và đóng góp tài chính trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Mâu thuẫn giữa hai người trở nên gay gắt từ khi Musk dẫn đầu nỗ lực cắt giảm chi tiêu chính phủ và sa thải nhân viên liên bang với vai trò đứng đầu Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) trong chính quyền Trump.

Tỷ phú giàu nhất thế giới cũng dẫn một cuộc thăm dò ý kiến ông tổ chức vào đúng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 trên nền tảng X. Trong đó, Musk hỏi người dùng có muốn "tách khỏi hệ thống hai đảng (hay còn gọi là một đảng ngầm)" hay không. Cuộc khảo sát thu hút hơn 1,2 triệu lượt tham gia, phần đông tỏ ra không hài lòng với cách vận hành hiện tại của hệ thống chính trị Mỹ.

Ý tưởng lập đảng mới từng được Musk úp mở từ tháng 6, khi ông liên tục chỉ trích đạo luật chi tiêu mới của chính quyền Trump. Đạo luật này bổ sung các khoản khấu trừ thuế mới với tổng chi phí ước tính hơn 4.500 tỷ USD, đồng thời chấm dứt chính sách ưu đãi thuế cho xe điện — lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Tesla.

elon_voh
Tỷ phú Elon Musk tuyên bố thành lập đảng chính trị mới. - Ảnh: NYT

Theo các nhà quan sát, tuy đã công bố ý định, nhưng việc thành lập và vận hành một đảng phái chính trị mới ở Mỹ không hề đơn giản. Chuyên gia pháp lý Brett Kappel nhận định với đài CBS News rằng, để được công nhận chính thức, một đảng mới phải đáp ứng hàng loạt điều kiện pháp lý khác nhau ở từng bang, mất rất nhiều thời gian và công sức để tham gia vào các kỳ bầu cử liên bang và tiểu bang.

Lịch sử chính trị Mỹ từng chứng kiến nhiều nỗ lực thành lập đảng thứ ba nhưng chưa bên nào thành công trong việc giành quyền kiểm soát ở cấp liên bang. Đảng Tự do, thành lập năm 1971, từng đạt tỷ lệ phiếu cao nhất là 3,27% trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, còn Đảng Xanh dù tham gia hàng chục kỳ bầu cử vẫn không có ghế nào trong Quốc hội liên bang.

Hiện tại, hệ thống hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã duy trì thế độc tôn gần 200 năm. Dù kết quả khảo sát mới nhất cho thấy nhiều cử tri Mỹ đang thất vọng với cả hai đảng lớn, khả năng một đảng mới như Đảng Nước Mỹ vươn lên nắm vai trò ảnh hưởng đáng kể trong chính trường Mỹ vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5/2024 cho thấy những người tự nhận là không hài lòng với hai đảng chính hiện nay cũng ít có khả năng bỏ phiếu cho một đảng thứ ba. Nhiều chuyên gia nhận định, chính những rào cản cấu trúc, chi phí vận động và hệ thống pháp lý phức tạp là trở ngại lớn khiến các đảng nhỏ khó chen chân vào sân chơi chính trị Mỹ.

Dù vậy, với tiềm lực tài chính khổng lồ và sức ảnh hưởng truyền thông mạnh mẽ, Elon Musk hoàn toàn có thể tạo ra những thay đổi nhất định, thách thức sự thống trị lâu đời của hệ thống chính trị hiện hành. Tuy nhiên, khả năng Đảng Nước Mỹ vươn lên thành lực lượng chính trị đáng gờm vẫn là câu chuyện cần thời gian kiểm chứng.

Bình luận