Elon Musk đề xuất lập “Đảng Mỹ”: Thách thức hệ thống lưỡng đảng

Trong một động thái làm chấn động chính trường Mỹ dịp Quốc khánh 4/7, tỉ phú Elon Musk tuyên bố đang nghiêm túc cân nhắc thành lập một đảng chính trị mới mang tên "America Party" (Đảng Mỹ).

Tham vọng này được ông nêu ra trong bối cảnh ngày càng bất mãn với hệ thống lưỡng đảng truyền thống và đặc biệt là sự phản đối gay gắt của ông với đạo luật chi tiêu "Big Beautiful Bill" vừa được Quốc hội thông qua.

Trên mạng xã hội X nền tảng do chính ông sở hữu, Musk đăng tải thông điệp: “Ngày Quốc khánh là thời điểm hoàn hảo để hỏi liệu bạn có muốn giành lấy sự độc lập khỏi hệ thống lưỡng đảng hay không!”

Ông cho rằng "Đảng Mỹ" nên tập trung nguồn lực để giành từ 2 đến 3 ghế Thượng viện và 8 đến 10 ghế Hạ viện nhằm nắm thế "quyết định lá phiếu" trong các dự luật gây tranh cãi. Musk cho rằng đây là cách hiệu quả để tác động trực tiếp đến chính sách và đảm bảo các đạo luật thực sự phản ánh “ý chí của người dân”.

Ý tưởng của ông Musk nhanh chóng gây chú ý, đặc biệt khi một cuộc khảo sát của Quantus Insights gần đây với 1.000 cử tri Mỹ cho thấy 40% số người được hỏi sẵn sàng cân nhắc ủng hộ một đảng mới do Musk sáng lập. Ông từng cảnh báo rằng nếu đạo luật chi tiêu hơn 1.000 tỉ USD được thông qua, ông sẽ lập đảng ngay “ngày hôm sau”.

2025-06-26t163927z909925786rc2jseahqu15rtrmadp3lebanon-economy-musk-17516940712011979021246
Tỉ phú Elon Musk - Ảnh: REUTERS

Các chuyên gia chính trị cảnh báo việc thành lập và duy trì một đảng thứ ba ở Mỹ là vô cùng gian nan.

Giáo sư Grant Davis Reeher, chuyên gia chính trị tại Đại học Syracuse, cho rằng hệ thống bầu cử của Mỹ với hình thức "người thắng được tất cả" tại từng khu vực bầu cử và cách thức phân bổ phiếu đại cử tri gần như "chôn vùi" cơ hội của các đảng nhỏ.

“Trừ vài trường hợp cá biệt ở cấp địa phương, việc lập đảng thứ ba thường dẫn tới thất bại vì thiếu nền tảng và lực hút cử tri. Hệ thống này không khuyến khích sự đa dạng chính trị”, ông Reeher phân tích.

Chuyên gia Larry Sabato thuộc Đại học Virginia cũng nhận định rằng Musk, dù giàu có và nổi tiếng sẽ đối mặt với những rào cản lớn về pháp lý, tổ chức và chiến lược nếu thực sự muốn thành lập một đảng chính trị có ảnh hưởng.

“Về lý thuyết, với khối tài sản khổng lồ, ông ấy có thể làm được. Nhưng tôi không nghĩ Elon Musk đã hiểu rõ mức độ cam kết mà việc này đòi hỏi từ tổ chức bộ máy đảng, xin giấy phép từng bang, đến điều phối vận động tranh cử. Đây không phải trò chơi mạng xã hội”, ông Sabato nhấn mạnh.

Động thái của Musk được xem là bước đi thể hiện sự thất vọng ngày càng lớn của cử tri với hệ thống lưỡng đảng hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cả hai chính đảng lớn của Mỹ đang bị chia rẽ nội bộ và mất lòng tin từ một bộ phận dân chúng.

Bình luận