Theo cảnh báo từ giới khí tượng, các đợt nóng gay gắt hơn còn có thể xảy ra vào cuối tháng 7 và tháng 8, khi nhiệt độ tiếp tục leo thang.
Chỉ riêng ngày 1/7, nhiệt độ tại Uccle – vùng ngoại ô thủ đô Brussels (Bỉ) – đã lên tới 35,9 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận vào đầu tháng 7 tại quốc gia này, theo Viện Khí tượng Hoàng gia Bỉ. Và đó mới chỉ là khởi đầu.
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) gọi nắng nóng là “nguy cơ khí hậu lớn nhất đối với sức khỏe con người” tại lục địa này. Ước tính có tới 95% số ca tử vong do thời tiết cực đoan là hệ quả của nhiệt độ cao. Năm 2022, nắng nóng khiến khoảng 70.000 người ở châu Âu thiệt mạng. Con số này tuy giảm còn 47.000 người trong năm 2023, nhưng vẫn ở mức rất đáng lo ngại. Dù vậy, nắng nóng vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức như một thảm họa sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh thiệt hại nhân mạng, nắng nóng còn tác động mạnh đến kinh tế. Theo thống kê của EEA, từ năm 1980 đến 2023, các hiện tượng khí hậu cực đoan, bao gồm cả nắng nóng, đã gây thiệt hại hơn 790 tỷ euro. Riêng năm 2023, tổng thiệt hại ước đạt 45 tỷ euro. Trong những đợt nóng kéo dài, tổn thất có thể lên tới 0,5% GDP mỗi năm. Nếu không có biện pháp ứng phó hiệu quả, con số này có thể vượt quá 3% GDP tại nhiều nước Nam Âu vào năm 2060.
Không chỉ là vấn đề tài chính, nắng nóng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng và năng suất lao động. Nhiệt độ cao gây hư hại cho đường sắt, đường bộ, cầu cống… Đồng thời, nhu cầu làm mát tăng vọt tạo áp lực lớn lên hệ thống lưới điện ở nhiều quốc gia.
Theo giới chuyên gia, châu Âu đang ấm lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, khu vực này ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về tần suất, cường độ và thời gian kéo dài của các đợt nắng nóng. Những ngày có khí hậu mang tính nhiệt đới đang xuất hiện sớm hơn và kéo dài hơn so với các thập niên trước.
Tình hình cho thấy nắng nóng không còn là hiện tượng thời tiết bất thường mà đã trở thành hiện thực thường xuyên, báo hiệu những thay đổi khí hậu sâu rộng. Nếu không có các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ tác động khí hậu một cách toàn diện, châu Âu – và cả thế giới – sẽ phải đối mặt với tương lai đầy bất trắc, nơi mà nắng nóng không chỉ là một mùa, mà là một cuộc khủng hoảng.