Hàng loạt biện pháp khẩn cấp được áp dụng, trong đó Italy giới hạn lao động ngoài trời, Pháp đóng cửa gần 2.000 trường học và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang vật lộn với các đám cháy rừng.
Tại Tây Ban Nha - nơi vừa xác nhận tháng 6 nóng nhất lịch sử - nhiệt độ tại nhiều thành phố vượt 40 độ C trong ngày 1/7. Tình trạng tương tự cũng ghi nhận ở thành phố Trento của Italy, trong khi các thành phố ở Bắc Âu như London cũng chìm trong oi bức, với nhiệt độ đạt 32 độ C.
Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu thì châu lục này đang nóng lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu và là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới.

Cảnh báo y tế, mất điện và tử vong liên quan đến nắng nóng
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết điều bất thường không chỉ ở mức nhiệt mà còn ở thời điểm xuất hiện, khi những đợt nắng nóng cực đoan như hiện tại thường chỉ xảy ra vào cuối hè.
Tại Italy, chính quyền đã phát cảnh báo đỏ vì nắng nóng cho 17 thành phố, bao gồm Milan và Rome. Một số vùng cấm hoàn toàn lao động ngoài trời vào các khung giờ nắng gắt. Thông tin từ các nghiệp đoàn cho biết một công nhân xây dựng gần Bologna được cho là đã tử vong do sốc nhiệt hôm 30/6.
Thành phố Florence và Bergamo ghi nhận các sự cố mất điện nghi do hệ thống quá tải khi người dân tăng cường sử dụng máy lạnh. Tại Sicily, một phụ nữ có bệnh tim đã tử vong khi đang đi bộ trong thời tiết oi bức ở thành phố Bagheria.
Tại Barcelona ở Tây Ban Nha, giới chức cũng đang điều tra nguyên nhân tử vong của một nhân viên vệ sinh vào cuối tuần qua, nghi có liên quan đến nhiệt độ cao.
Hội Chữ thập đỏ địa phương đã lập các trạm nghỉ có điều hòa để người dân tránh nắng nóng ở thành phố Malaga.

Cháy rừng và giao thông bị gián đoạn
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng chức năng vẫn đang chiến đấu với các đám cháy rừng bùng phát quanh thành phố Izmir, tỉnh Manisa và Hatay, buộc khoảng 50.000 người phải sơ tán tạm thời từ ngày 30/6.
Pháp, nơi nhiệt độ dự kiến sẽ đạt đỉnh 40 - 41 độ C trong ngày 2/7, đã đóng cửa gần 1.900 trường học so với 200 trường vào ngày 30/6. Tuyến đường sắt Paris - Milan cũng bị gián đoạn vì lở đất ở khu vực dãy Alps phía Pháp.
Tầng cao nhất của Tháp Eiffel phải đóng cửa do thời tiết nắng nóng cực đoan khiến kim loại giãn nở và tòa tháp nghiêng nhẹ, dù không ảnh hưởng đến cấu trúc.
Laia Pons, một giáo viên người Tây Ban Nha, cho biết đã lên kế hoạch du lịch và đặt mua vé tham quan Tháp Eiffel từ 3 năm trước, nhưng giờ vô cùng thất vọng khi mọi thứ bị hủy.


Nhiệt độ mặt biển Địa Trung Hải ngoài khơi Tây Ban Nha đã chạm mốc kỷ lục 30 độ C - cao hơn trung bình mùa hè tới 6 độ. Hiện tượng “vòm nhiệt” đang giữ không khí nóng bị mắc kẹt trên lục địa, làm gia tăng nhiệt độ cả trên biển và đất liền.
Theo WMO, khi nhiệt độ ở biển tăng cao, các đợt nóng trên đất liền có xu hướng trở nên khắc nghiệt hơn.
Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và hoạt động công nghiệp là nguyên nhân chính của hiện tượng thời tiết cực đoan. Năm ngoái là năm nóng nhất trong lịch sử hành tinh.
“Sóng nhiệt không còn là điều bất thường, mà chúng đang trở thành hiện thực lặp đi lặp lại,” một nhà khí tượng nhận định.