Trong bối cảnh đó, ECB tái khẳng định cam kết duy trì sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định giá cả.
Cảnh báo được ECB công bố ngày 30/6, nằm trong khuôn khổ đợt đánh giá chiến lược đầu tiên kể từ năm 2021. Đây là giai đoạn mà ngân hàng này đã phải đối mặt với nhiều biến động lớn về kinh tế và giá cả, đặc biệt là sau các cú sốc từ đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng và xung đột vũ trang tại Ukraine.
Trong báo cáo, ECB nhấn mạnh: “Thế giới đã chứng kiến những thay đổi sâu rộng, đặt ra thách thức mới cho các ngân hàng trung ương. Lạm phát trong thời gian tới có thể biến động mạnh hơn so với trước đây.” Dù vẫn giữ mục tiêu lạm phát trung hạn ở mức 2%, ECB thừa nhận môi trường kinh tế hiện tại đang đòi hỏi một cách tiếp cận linh hoạt, dựa trên nhiều kịch bản khác nhau.

Tại Diễn đàn ECB thường niên tổ chức ở Sintra (Bồ Đào Nha), Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định chiến lược tiền tệ hiện tại đã giúp ngân hàng giữ được khả năng ứng phó trong thời điểm đầy bất định. “Chúng tôi đã kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời vẫn giữ được sự linh hoạt cần thiết để hạn chế những cú sốc nghiêm trọng,” bà Lagarde phát biểu.
Một loạt yếu tố đang đặt áp lực lên ECB: khả năng Mỹ tái lập các rào cản thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump, bất ổn địa chính trị kéo dài ở Ukraine, cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI làm thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Theo ECB, những yếu tố này có thể gây ra cả cú sốc cung và cầu, dẫn tới biến động mạnh trong giá cả hàng hóa và dịch vụ.
ECB cũng cảnh báo về các rủi ro an ninh mới với châu Âu, đặc biệt là các mối đe dọa trong không gian mạng và chuỗi cung ứng năng lượng – yếu tố đã từng góp phần đẩy lạm phát Eurozone lên mức cao kỷ lục năm 2022.
Dù không công bố điều chỉnh lớn nào trong chính sách, ECB khẳng định sẵn sàng hành động mạnh tay nếu lạm phát vượt quá giới hạn cho phép. “Chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp phù hợp, có tính đến mọi rủi ro và biến động có thể xảy ra,” thông cáo của ngân hàng nêu rõ.
Lập trường này cho thấy ECB vẫn đang thận trọng điều hành trong bối cảnh áp lực chính trị và xã hội tăng cao. Trước đây, ngân hàng từng bị chỉ trích vì phản ứng chậm trước các cú sốc giá, buộc phải tăng lãi suất liên tục từ giữa năm 2022. Hiện tại, ECB đang đánh giá từng bước đi tiếp theo nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát mà không gây tổn thương quá mức cho tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro.