Gabapentin là loại thuốc thường được kê đơn để điều trị động kinh, đau thần kinh sau zona và hội chứng chân không yên bằng cách tác động đến các chất dẫn truyền trong não và hệ thần kinh. Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu và buồn nôn.
Gabapentin được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ năm 1993 để điều trị co giật cục bộ ở bệnh nhân động kinh từ 12 tuổi trở lên
Trong nghiên cứu mới, do các nhà khoa học từ Đại học Case Western Reserve thực hiện, cho thấy, có mối liên hệ giữa việc kê đơn gabapentin và nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc suy giảm nhận thức. Ngoài ra, tần suất kê đơn càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Regional Anesthesia & Pain Medicine.

Thuốc Gabapentin. - Ảnh: New York Post.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ y tế của 26.400 bệnh nhân được kê gabapentin để điều trị đau lưng mạn tính trong giai đoạn 2004–2024, so sánh với 26.400 bệnh nhân không dùng thuốc.
Sau khi xem xét các yếu tố như độ tuổi, tiền sử bệnh lý và việc sử dụng các loại thuốc giảm đau khác, họ nhận thấy rằng, những người từng được kê đơn gabapentin từ 6 lần trở lên có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 29%.
Bên cạnh đó, nhóm này cũng có nguy cơ mắc suy giảm nhận thức nhẹ cao hơn đến 85% trong vòng 10 năm kể từ khi được chẩn đoán đau lưng.
Điều đáng lo ngại là dù sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người cao tuổi, nhưng nhóm tuổi từ 35-49 dùng gabapentin lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp đôi so với người không dùng, trong khi nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ cũng cao hơn gấp 3 lần. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở nhóm bệnh nhân từ 50 đến 64 tuổi.
Tần suất sử dụng thuốc được xác định là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.
Nghiên cứu cho thấy, những người được kê đơn gabapentin từ 12 lần trở lên có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn 40% và nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ cao hơn 65% so với nhóm chỉ dùng từ 3 đến 11 lần.
Tuy nhiên, các tác giả nhấn mạnh rằng nghiên cứu này mang tính quan sát, do đó chưa thể khẳng định mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa việc dùng gabapentin và nguy cơ sa sút trí tuệ.
Họ cũng lưu ý rằng chưa thể phân tích cụ thể liều lượng và thời gian sử dụng thuốc dựa trên dữ liệu hiện có. Dù vậy, nhóm nghiên cứu khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân trưởng thành đang được kê đơn gabapentin để sớm phát hiện nguy cơ suy giảm nhận thức.
Giáo sư Tara Spires-Jones, Giám đốc Trung tâm Khoa học Não bộ thuộc Đại học Edinburgh (Scotland), cho rằng, dù nhóm nghiên cứu đã loại trừ nhiều yếu tố nguy cơ bằng phương pháp thống kê, một yếu tố quan trọng không được phân tích trong nghiên cứu là mức độ vận động thể chất của người bệnh – yếu nguy cơ đã được xác định đối với chứng sa sút trí tuệ.
Vì vậy, theo bà Jones, dạng nghiên cứu này không thể chứng minh gabapentin là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.
Các chuyên gia khuyến nghị nên giảm nguy cơ sa sút trí tuệ bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tăng cường giao tiếp xã hội, không hút thuốc và hạn chế rượu bia.