Phát hiện cấu trúc mạch máu hé lộ cơ chế tự hồi phục vết thương của khủng long T-Rex

Các nhà khoa học Canada vừa phát hiện các cấu trúc mạch máu được bảo tồn trong hóa thạch khủng long T-Rex, giúp hé lộ cơ chế phục hồi sau chấn thương của loài khủng long này.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích cấu trúc bên trong của một đoạn xương sườn của "Scotty" – cá thể khủng long Tyrannosaurus rex (T-Rex) lớn nhất từng được biết đến, được khai quật tại vùng Saskatchewan, Canada vào thập niên 1990. Cá thể này được phát hiện tại hệ tầng Frenchman thuộc kỷ Phấn trắng muộn và nổi bật với khối xương đặc biệt rắn chắc.

Dựa trên các phân tích, Scotty có thể nặng tới hơn 8,8 tấn khi còn sống và có thể sống đến hơn 30 năm – một tuổi thọ hiếm thấy so với đồng loại - và từng trải qua nhiều tổn thương nghiêm trọng, thể hiện qua các vết sẹo hóa thạch trên xương.

hoa thach

Xương sườn của Scotty và vị trí gãy xương. - Ảnh: Independent.

Khi tiến hành quét đoạn xương sườn này, các nhà nghiên cứu bất ngờ phát hiện một cấu trúc lạ bên trong. Sau đó, nhờ công nghệ chụp X - quang hiện đại, họ đã dựng được mô hình 3D chi tiết về cả phần xương và mô mềm bên trong mà không làm hỏng hóa thạch 66 triệu năm tuổi này. Cấu trúc mô mềm này được xác định là các cấu trúc mạch máu được bảo tồn trong xương.

Mẫu vật này, được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan với mã số RSKM P2523.8, cho thấy dấu tích mạch máu vẫn còn nguyên vẹn tại vùng xương từng bị gãy và đã phục hồi - có thể là hậu quả từ một trận chiến với một cá thể khủng long khác.

Các nhà khoa học cho rằng, khi xương bị gãy, quá trình chữa lành sẽ kích hoạt sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động của các mạch máu tại khu vực tổn thương. Các mạch máu mới sẽ phân nhánh từ những mạch máu cũ và phát triển hướng về phía vết nứt nhằm đưa chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng vùng xương bị tổn thương.

Theo các nhà khoa học, phát hiện này đã cung cấp bằng chứng trực tiếp về khả năng phục hồi tổn thương của loài T-Rex.

Giáo sư Mauricio Barbi, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Regina, nhận định, cấu trúc mạch máu được bảo tồn trong xương sườn của Scotty trùng khớp với vùng xương từng bị tổn thương đang hồi phục. Điều này phù hợp với cơ chế sinh học vì quá trình phục hồi thường đi kèm với lưu lượng máu tăng cao đến khu vực đó.

Ông Barbi cho rằng, công trình này mở ra một phương pháp mới để so sánh khả năng hồi phục chấn thương giữa các loài động vật đã tuyệt chủng, như khủng long, với các loài còn sống hiện nay như chim và bò sát. Nhờ đó, giới khoa học có thể hiểu rõ hơn về cơ chế sinh học trong quá khứ, cũng như cách sự sống trên Trái đất đã tiến hóa qua hàng triệu năm.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng rằng, những dấu hiệu về phục hồi và tái tạo xương sẽ là mục tiêu đầy hứa hẹn cho các nghiên cứu trong tương lai nhằm hiểu rõ hơn về cấu trúc mô mềm của khủng long.

Bình luận