Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Behaviour, 8 cá thể tinh tinh được giải cứu tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Chimfunshi (Zambia) đã được quan sát đều đeo cỏ hoặc cành cây sau tai. Dường như hành vi này lan truyền trong nhóm như một xu hướng xã hội.
Tiến sĩ Jake Brooker, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Durham, cho biết, hành vi này không phục vụ mục đích kiếm ăn như việc đập vỡ hạt hay bắt côn trùng. Thay vào đó, ông ví nó như một “phong cách thời trang” của tinh tinh.

Ảnh: Getty/ iStock.
Theo ông Brooker, hiện tượng này phản ánh đúng cách các trào lưu văn hóa của con người được lan rộng, bắt đầu từ một cá thể khởi xướng, sau đó được các cá thể khác bắt chước và dần trở thành đặc trưng của cả nhóm – dù hành vi đó không mang lại lợi ích rõ ràng, thậm chí đôi khi còn gây phiền toái.
Các nhà khoa học cho rằng, việc sống trong môi trường nuôi dưỡng khiến tinh tinh không cần quá lo lắng về vấn đề sinh tồn.
Tiến sĩ Edwin van Leeuwen tại Đại học Utrecht nhận định: “Chúng không cần quá cảnh giác hay dành nhiều thời gian tìm kiếm thức ăn, từ đó mang lại cho chúng nhiều không gian nhận thức hơn để chơi đùa, thử nghiệm và bắt chước lẫn nhau.”
Trong một nghiên cứu khác, được đăng trên tạp chí Frontiers in Ecology and Evolution, các nhà khoa học tại Đại học Oxford phối hợp cùng nhóm nghiên cứu địa phương ở rừng Budongo (Uganda), đã ghi lại hình ảnh của tinh tinh sử dụng thảo dược để chữa trị vết thương và chăm sóc lẫn nhau.
Đoạn phim cho thấy, những cá thể tinh tinh này dùng miệng liếm vết thương, sau đó lấy lá cây đắp lên hoặc nhai rồi bôi thẳng lên vùng bị thương.
Theo các nhà nghiên, cứu đoạn phim này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy các loài linh trưởng như tinh tinh, đười ươi và khỉ đột biết sử dụng các loại dược liệu tự nhiên theo nhiều cách khác nhau để duy trì sức khỏe khi sống trong môi trường hoang dã.
Tiến sĩ Elodie Freymann, tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết, việc chăm sóc vết thương của tinh tinh bao gồm nhiều kỹ thuật như liếm trực tiếp vết thương để làm sạch và truyền chất kháng khuẩn trong nước bọt, liếm ngón tay rồi ấn vào vết thương, đắp lá, hoặc nhai lá thuốc rồi bôi lên.
Nghiên cứu này tập trung vào hai cộng đồng tinh tinh Sonso và Waibira tại rừng Budongo – nơi có khoảng 40% số cá thể được ghi nhận có vết thương do bẫy của con người.
Các nhà khoa học chuyên gia đã theo dõi các cộng đồng này suốt 4 tháng, đồng thời khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Great Ape Dictionary, sổ tay ghi chép hành vi của tinh tinh trong nhiều thập kỷ, và khảo sát các nhà khoa học khác từng chứng kiến hành vi tự điều trị của loài linh trưởng này.