Công trình nghiên cứu được công bố ngày 04/07 trên Tạp chí Quốc tế về Ung thư.
Sau khi theo dõi sức khỏe của gần 2,5 triệu trẻ em, các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska phát hiện, nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho tăng đáng kể ở những trẻ được sinh mổ theo kế hoạch, trong khi không ghi nhận xu hướng tương tự ở các ca sinh mổ khẩn cấp.
Hiện nhóm nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân, song bước đầu cho thấy một số yếu tố có thể đóng vai trò nhất định.

Mẫu máu xét nghiệm bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. - Ảnh: Independent.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, trẻ sinh mổ chủ động không phải chịu căng thẳng sinh lý hoặc tiếp xúc với hệ vi khuẩn âm đạo như trong các ca sinh thường hoặc sinh mổ khẩn cấp. Đây có thể là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hệ miễn dịch ban đầu của trẻ.
Tiến sĩ Christina-Evmorfia Kampitsi, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định, sinh mổ là một phần quan trọng và thậm chí có thể cứu sống người mẹ trong chăm sóc sản khoa hiện đại. Bà chia sẻ, nhóm nghiên cứu không muốn khiến các bà mẹ lo lắng nếu bác sĩ chỉ định sinh mổ vì lý do y tế.
Tuy nhiên, khi đặt kết quả nghiên cứu này bên cạnh các bằng chứng trước đó cho thấy mối liên hệ giữa sinh mổ chủ động với nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn, dị ứng hay tiểu đường tuýp 1, bà Kampitsi cho rằng, đã đến lúc cần xem xét lại việc chỉ định sinh mổ khi không thực sự cần thiết về mặt y khoa.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của gần 376.000 trẻ được sinh mổ tại Thụy Điển trong giai đoạn 1982–1989 và 1999–2015. Trong số đó, có gần 1.500 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho sau đó và trẻ sinh mổ chủ động có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 21% so với trẻ sinh thường.
Đặc biệt, nguy cơ mắc thể phổ biến nhất của bệnh – bạch cầu cấp dòng lympho tế bào B – cao hơn tới 29% ở nhóm trẻ sinh mổ theo kế hoạch. Nguy cơ này cũng được ghi nhận cao hơn rõ rệt ở bé trai so với bé gái trong những năm đầu đời.
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là một dạng ung thư máu và tủy xương phổ biến nhất ở trẻ em. Dù nguyên nhân chính xác dẫn đến đột biến ADN gây bệnh vẫn chưa rõ ràng, nhưng theo Mayo Clinic, đây là bệnh lý có khả năng chữa khỏi cao nếu được điều trị kịp thời.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các chuyên gia ước tính rằng, nguy cơ dư thừa liên quan đến sinh mổ chủ động tương đương với khoảng 1 ca mắc bạch cầu cấp dòng lympho tế bào B mỗi năm – con số không đáng kể về mặt dịch tễ.
Theo bà Kampitsi, bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là tình trạng rất hiếm gặp, vì vậy cần một số lượng ca sinh mổ rất lớn để có thể đạt được ý nghĩa thống kê. Điều này khó có thể đạt được trong một nghiên cứu dựa trên dữ liệu quốc gia tại Thụy Điển.
Tuy nhiên, kết quả thu được gần như có ý nghĩa thống kê, phù hợp với các nghiên cứu trước đó và vẫn giữ nguyên ngay cả khi đã điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu – cho thấy phát hiện này là đáng tin cậy.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng, nguy cơ phát triển ung thư nói chung ở trẻ vẫn ở mức rất thấp, bất kể phương pháp sinh là sinh thường hay sinh mổ.