Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ rõ ràng giữa ô nhiễm không khí và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, với gánh nặng lớn rơi vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Trong số các chất ô nhiễm, bụi mịn PM2.5 – những hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, chủ yếu sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sinh khối – được coi là tác nhân nguy hiểm nhất.
Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới 2023, Ấn Độ hiện là quốc gia ô nhiễm thứ ba thế giới dựa trên mức PM2.5 trung bình hằng năm, với tỷ lệ mắc các bệnh như hen suyễn, ung thư và nhiều bệnh mãn tính khác ngày càng gia tăng trong những thập kỷ gần đây.

Người dân Ấn Độ lái xe giữa làn khói bụi dày đặc dọc theo một con đường đông đúc của New Delhi. - Ảnh: Independent.
Trong nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí PLOS Global Public Health, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT Delhi) đã sử dụng dữ liệu vệ tinh và các cuộc khảo sát quy mô lớn để phân tích mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và kết quả sinh nở bất lợi ở cấp quốc gia, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương.
Kết quả cho thấy, có hơn 10% trẻ em được sinh non và gần 1/5 trẻ sơ sinh bị nhẹ cân. Tình trạng sinh non xảy ra phổ biến nhất tại các bang phía Bắc như Himachal Pradesh (39%), Uttarakhand (27%), Rajasthan (18%) và thủ đô Delhi (17%), cùng một số bang vùng Đông Bắc như Nagaland.
Trong khi đó, tỷ lệ trẻ nhẹ cân cao nhất được ghi nhận tại bang Punjab (22%), tiếp theo là New Delhi, Dadra và Nagar Haveli, Madhya Pradesh, Haryana và Uttar Pradesh.
Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục cho thấy, việc thai nhi tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 trong tử cung có liên quan trực tiếp đến các kết quả sinh nở bất lợi, như sinh non và nhẹ cân.
Phân tích dữ liệu cũng cho thấy, mức độ phơi nhiễm PM2.5 trong không khí càng cao thì nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân càng tăng. Cụ thể, cứ mỗi 10 microgam PM2.5 tăng thêm trong một mét khối không khí, tỷ lệ sinh con nhẹ cân sẽ tăng 5% và tỷ lệ sinh non sẽ tăng 12%.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường khác như nhiệt độ và lượng mưa cũng có liên quan đến tình trạng sinh nở bất lợi.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, trẻ em tại các quận phía bắc Ấn Độ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của ô nhiễm không khí. Những phát hiện này làm dấy lên lời kêu gọi cần có các biện pháp can thiệp tập trung hơn, đặc biệt tại các khu vực miền Bắc.
Các chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ Ấn Độ cần tăng cường thực hiện Chương trình Không khí Sạch Quốc gia, bao gồm việc siết chặt tiêu chuẩn khí thải nghiêm và nâng cao hệ thống giám sát chất lượng không khí.