Sống qua đại dịch COVID-19 khiến não bộ "già đi", ngay cả ở người chưa từng nhiễm bệnh

Não của những người sống trong thời kỳ đại dịch có dấu hiệu già đi trung bình 5,5 tháng so với nhóm không trải nghiệm giai đoạn này.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy, chỉ riêng việc sống qua thời kỳ đại dịch COVID-19 cũng có thể khiến não bộ con người lão hóa nhanh hơn, kể cả những người không từng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nhóm nghiên cứu tại Trường Y, Đại học Nottingham (Anh), do tiến sĩ Ali-Reza Mohammadi-Nejad đứng đầu, đã phân tích dữ liệu chụp não của 1.000 người trưởng thành, thu thập cả trước và trong giai đoạn COVID-19. Những dữ liệu này được so sánh với một nhóm đối chứng không trải qua đại dịch để đánh giá mức độ lão hóa của não bộ.

naonguoi_voh
Não của những người sống trong thời kỳ đại dịch COVID-19 có dấu hiệu lão hóa nhanh hơn khoảng 5,5 tháng so với nhóm đối chứng trước đại dịch.

Kết quả cho thấy não của những người sống trong thời kỳ đại dịch có dấu hiệu già đi trung bình 5,5 tháng so với nhóm không trải nghiệm giai đoạn này. Sự thay đổi này xuất hiện ở cả người từng nhiễm COVID-19 và người chưa từng mắc bệnh.

Các chỉ số được phân tích bao gồm thể tích chất xám và chất trắng, chức năng não, khả năng nhận thức và tuổi sinh học. Tiến sĩ Mohammadi-Nejad cho rằng, điều bất ngờ nằm ở chỗ não vẫn có thể bị ảnh hưởng rõ rệt chỉ vì những trải nghiệm tiêu cực kéo dài như lo âu, cách ly, thay đổi thói quen sống trong đại dịch – ngay cả khi không nhiễm virus.

Nghiên cứu chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến não bộ theo cách sâu rộng hơn tưởng tượng. Những yếu tố như căng thẳng kéo dài, mất kết nối xã hội, gián đoạn công việc và sinh hoạt hằng ngày đều góp phần làm thay đổi sinh học trong não.

Những nhóm dễ bị tác động nhất bao gồm người lớn tuổi, nam giới, người có thu nhập thấp, không ổn định về chỗ ở hoặc có sức khỏe kém. Người không có việc làm ổn định ghi nhận mức lão hóa não cao hơn khoảng 5 tháng so với người có việc làm bền vững. Trong khi đó, sức khỏe yếu làm tăng tuổi não thêm khoảng 4 tháng.

Riêng nhóm từng nhiễm COVID-19 có biểu hiện rõ rệt hơn về suy giảm chức năng nhận thức, bao gồm khả năng ghi nhớ, tư duy logic và xử lý thông tin.

Tiến sĩ Mohammadi-Nejad nhấn mạnh: hệ thống y tế cần xem xét lại phạm vi theo dõi và hỗ trợ sức khỏe cộng đồng sau các giai đoạn khủng hoảng lớn như đại dịch. Không thể chỉ tập trung vào các chỉ số thể chất mà cần mở rộng sang các yếu tố tâm lý, xã hội và chức năng nhận thức.

“Não bộ rất nhạy cảm với những thay đổi từ môi trường sống. Những cú sốc xã hội có thể để lại hậu quả lâu dài, kể cả với người không bị nhiễm bệnh. Điều này cho thấy sức khỏe não bộ cũng cần được chăm sóc nghiêm túc trong các chiến lược ứng phó y tế công cộng”, ông nói.

Dù nghiên cứu không chỉ ra biện pháp cụ thể để đảo ngược tình trạng lão hóa não sau đại dịch, nhóm tác giả khuyến nghị duy trì các thói quen hỗ trợ sức khỏe não bộ lâu dài. Một số cách có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa của não bao gồm:

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm tốt cho não như cá béo, rau xanh, hạt và trái cây.

Tập thể dục thường xuyên để tăng lưu thông máu lên não.

Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng kéo dài.

Duy trì các hoạt động giao tiếp xã hội, trò chuyện, tham gia câu lạc bộ hoặc các hoạt động cộng đồng.

Thực hiện các hoạt động rèn luyện trí tuệ như đọc sách, chơi cờ, học kỹ năng mới.

Các chuyên gia khuyến cáo nên theo dõi các biểu hiện liên quan đến nhận thức và sức khỏe tâm thần sau đại dịch, để kịp thời can thiệp nếu cần thiết. Đại dịch có thể đã qua, nhưng những ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ vẫn còn đó, âm thầm và lâu dài.

Bình luận