Nghiên cứu trên được trình bày vào ngày 13/7 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết tại San Francisco, California, Mỹ.
Nghiên cứu đã phân tích hơn 33.000 ca tử vong do ung thư liên quan đến béo phì từ năm 1999 đến năm 2020 và phát hiện ra rằng, tỷ lệ tử vong theo độ tuổi đã tăng từ 3,73 lên 13,52 trên một triệu người trong giai đoạn đó - tăng hơn gấp 3 lần.
Nguy cơ cũng không phân bổ đồng đều - phụ nữ, người lớn tuổi, người da đen, người Mỹ bản địa và những người sống ở vùng nông thôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của xu hướng chết người này.

Tiến sĩ Faizan Ahmed thuộc Trung tâm Y tế Đại học Hackensack Meridian Jersey Shore ở Neptune City, NJ, cho biết: "Béo phì là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với nhiều loại ung thư, góp phần gây tử vong đáng kể".
“Nghiên cứu này nhấn mạnh nhu cầu về các chiến lược y tế công cộng có mục tiêu như sàng lọc sớm và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn có nguy cơ cao và các khu vực thiếu dịch vụ”, tiến sĩ Ahmed thông tin.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), béo phì có liên quan chặt chẽ đến ít nhất 13 loại ung thư, bao gồm ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh, ung thư ruột kết, tử cung, túi mật, tuyến tụy, gan, tuyến giáp và thậm chí cả não, cùng nhiều loại ung thư khác.
Tổng cộng, các loại ung thư liên quan đến béo phì chiếm tới 40% trong tổng số các ca chẩn đoán ung thư mới tại Mỹ mỗi năm.
Theo dữ liệu của CDC, tình trạng béo phì hiện ảnh hưởng đến 40,3% người trưởng thành ở Mỹ.
Tình trạng này được định nghĩa là có chỉ số khối cơ thể từ 30 trở lên - và có liên quan đến nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ, vô sinh, trầm cảm, bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư cao hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố béo phì là một đại dịch toàn cầu vào năm 1997 và lưu ý rằng tỷ lệ này đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 1975 - thời điểm mà các chuyên gia tin rằng đại dịch này bắt đầu.