Trong khi hút thuốc vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, tỷ lệ mắc bệnh này ở nhóm người không hút thuốc lại đang có xu hướng gia tăng, dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá toàn cầu đang giảm.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, ung thư phổi có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn đến phụ nữ không hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ gốc Á, và tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực Đông Á cao hơn so với các quốc gia phương Tây.
Một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Nature ngày 03/07, đã đưa ra bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có thể là tác nhân gây ra những đột biến gen liên quan đến sự hình thành ung thư phổi ở người không hút thuốc.

Những người đi làm đi giữa làn khói bụi dày đặc ở New Delhi, Ấn Độ. - Ảnh: Independent.
Giáo sư Ludmil Alexandrov, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại học California, nhận định, xu hướng ngày càng nhiều người không hút thuốc mắc ung thư phổi là một dấu hiệu đáng lo ngại, trong khi nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ người không hút thuốc trên toàn thế giới, sử dụng công nghệ giải trình tự gen để truy tìm các yếu tố môi trường có khả năng liên quan đến ung thư phổi.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích các khối u phổi từ 871 người không hút thuốc sinh sống tại 28 khu vực có mức độ ô nhiễm khác nhau, trải dài khắp châu Phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Bằng các kỹ thuật giải trình tự hệ gen, các nhà khoa học đã xác định được những mẫu đột biến di truyền đặc trưng – được gọi là “dấu ấn phân tử” phản ánh các tác nhân môi trường mà cơ thể từng phơi nhiễm.
Dữ liệu này sau đó được so sánh với các chỉ số ô nhiễm dựa trên số liệu từ vệ tinh và trạm đo không khí mặt đất. Điều này đã giúp các nhà khoa học ước tính mức độ phơi nhiễm lâu dài với ô nhiễm không khí ở từng bệnh nhân.
Kết quả cho thấy, những người không hút thuốc nhưng sinh sống trong môi trường ô nhiễm cao có số lượng đột biến trong khối u phổi cao hơn đáng kể – đặc biệt là các đột biến trực tiếp thúc đẩy quá trình phát triển ung thư.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, các dấu ấn phân tử đặc trưng xuất hiện nhiều hơn ở những người không hút thuốc nhưng mắc ung thư phổi, cho thấy họ từng phơi nhiễm với các yếu tố môi trường gây đột biến.
Trong đó, những người sống trong môi trường ô nhiễm có mức tăng gần gấp 4 lần ở một loại phân tử đột biến thường thấy ở người hút thuốc và tăng 76% đối với một dấu ấn khác liên quan đến quá trình lão hóa.
Ông Marcos Díaz-Gay, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, nhóm nghiên cứu nhận thấy ô nhiễm không khí có liên hệ với sự gia tăng các đột biến soma, bao gồm cả những dấu ấn di truyền vốn được ghi nhận ở người hút thuốc lá và người cao tuổi.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, càng tiếp xúc nhiều với ô nhiễm, các khối u ở phổi càng mang nhiều đột biến hơn, đồng thời có nhiều dấu hiệu cho thấy các tế bào của bệnh nhân đang trải qua quá trình lão hóa nhanh hơn.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện một dấu ấn đột biến mới xuất hiện phổ biến trong khối u phổi của những người không hút thuốc nhưng lại không có ở những người hút thuốc.
Ông Alexandrov cho biết: “Chúng tôi chưa rõ điều gì đã tạo ra dấu ấn này, nhưng đây là một cơ chế hoàn toàn khác biệt và có thể mở ra hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực ung thư học.”