Tại Mỹ, khoảng 40% người trưởng thành đang sống chung với béo phì – yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và nhiều bệnh mạn tính khác.
Chỉ số khối cơ thể (BMI), được tính bằng cách chia cân nặng theo bình phương chiều cao, là công cụ phổ biến để xác định tình trạng béo phì. Tuy nhiên, phương pháp này ngày càng gây tranh cãi vì phương pháp luận, nguồn gốc lịch sử và sự thiếu phản ánh thực tế sức khỏe bệnh nhân.
Theo nghiên cứu mới, do các nhà khoa học tại Đại học Florida Health thực hiện, BMI là phương pháp “có nhiều thiếu sót” và không phản ánh chính xác nguy cơ tử vong trong tương lai.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Family Medicine.

Ảnh: Getty Images.
Giáo sư Arch Mainous, tác giả chính của nghiên cứu và Phó Chủ nhiệm Khoa Y học cộng đồng và gia đình, cho biết, nghiên cứu mới đề xuất thay thế BMI bằng thiết bị sinh học điện trở, một công nghệ có chi phí tương đối thấp, đo trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể dựa trên cách mô cơ thể phản ứng với dòng điện yếu.
Phương pháp này được gọi là phân tích trở kháng điện sinh học (BIA), có thể cho kết quả chính xác hơn đáng kể so với BMI. Nhiều mẫu thiết bị hiện có giá dưới 300 USD và đã được trang bị tại một số phòng khám chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù các bác sĩ vẫn đánh giá cao phương pháp quét DEXA, công nghệ chụp hấp thụ tia X năng lượng kép để xác định lượng mỡ trong cơ thể, nhưng chi phí đắt đỏ khiến công nghệ này khó ứng dụng tại các phòng khám thông thường.
Dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Quốc gia về Dinh dưỡng và Sức khỏe (NHANES), được liên kết với chỉ số tử vong quốc gia của Mỹ, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích tình trạng sức khỏe của 4.252 người trưởng thành.
Kết quả cho thấy, những người có tỷ lệ mỡ cơ thể cao (được đo bằng phương pháp BIA) có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 78% so với những người có tỷ lệ mỡ ở mức lành mạnh trong suốt 15 năm theo dõi. Đáng chú ý, họ cũng có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao gấp 3,5 lần.
Ngược lại, khi áp dụng chỉ số BMI, các nhà khoa học không ghi nhận mối liên hệ thống kê có ý nghĩa nào với nguy cơ tử vong trong 15 năm, bao gồm cả tử vong do bệnh tim mạch.
Theo các nhà nghiên cứu, cả hai phương pháp đều được phân tích một cách độc lập với các yếu tố gây nhiễu như tuổi tác, chủng tộc và thu nhập.
Các nhà khoa học lưu ý rằng, BMI có thể phân loại nhiều người vào nhóm "bình thường", dù họ có tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao vượt ngưỡng. Theo định nghĩa hiện hành, người có chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9 được coi là bình thường, từ 25 đến 29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.
Bác sĩ Frank Orlando, Giám đốc Y khoa tại Trung tâm Y học Gia đình Đại học Florida, nhấn mạnh rằng, chỉ số BMI không thể phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe vì không phân biệt được giữa khối lượng cơ và mỡ, như những người tập thể hình có thể có BMI cao nhưng vẫn khỏe mạnh, dù bị xếp vào nhóm béo phì.
Ngoài ra, cách tính BMI hiện nay cũng bỏ qua các yếu tố quan trọng như chủng tộc, giới tính hay tỷ lệ phân bố mỡ, vốn ảnh hưởng lớn đến cấu trúc và tỷ lệ cơ thể.
Giáo sư Mainous nhận định, nghiên cứu này cho thấy đã đến lúc cần phải chuyển sang một phương pháp mới – chính xác và phù hợp hơn so với chỉ số BMI.