PFAS (per- và polyfluoroalkyl) là nhóm chất tổng hợp thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” do đặc tính bền vững, tồn tại lâu dài trong môi trường và cơ thể người. Chúng được ví như “chất độc chậm” do có liên quan đến nguy cơ ung thư, vô sinh, tổn thương gan và gây rối loạn phát triển ở trẻ em.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm cách xử lý PFAS nhưng chưa đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy, một số loài vi khuẩn đường ruột có thể hấp thu và loại bỏ PFAS ra khỏi cơ thể chuột thí nghiệm một cách hiệu quả.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Microbiology ngày 01/07.

Ảnh minh họa vi khuẩn đường ruột tích tụ axit perfluorononanoic, một loại "hóa chất vĩnh cửu", thành những cụm dày đặc. - Ảnh: New York Post.
Giáo sư Kiran Patil, tác giả chính của nghiên cứu tại Đơn vị Độc học MRC thuộc Đại học Cambridge, cho biết, nhóm nghiên cứu phát hiện một số loài vi khuẩn đường ruột ở người có khả năng hấp thu PFAS rất cao trong nhiều nồng độ khác nhau và lưu trữ chúng thành từng cụm bên trong tế bào.
Đáng chú ý, việc gom PFAS thành từng cụm giúp các vi khuẩn này tránh bị tác động bởi độc tính của hóa chất.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã cấy 9 loài vi khuẩn này vào đường ruột của chuột, chỉ trong vài phút, các vi khuẩn đã thu thập phần lớn lượng PFAS mà chuột tiêu hóa. Sau đó, PFAS được bài tiết ra ngoài qua phân.
Dù liều lượng hóa chất tiêu thụ khác nhau, các vi khuẩn này vẫn thu thập được từ 25% đến 74% lượng PFAS trong cơ thể chuột.
Nhà nghiên cứu Indra Roux, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ, dù chưa thể phá hủy PFAS, phát hiện này mở ra khả năng phát triển các phương pháp loại bỏ chúng khỏi cơ thể – nơi chúng gây hại nhất.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ sớm thử nghiệm loại vi khuẩn này ở người. Nếu kết quả tương tự, họ dự định phát triển các loại men vi sinh giúp tăng cường nhóm vi khuẩn có lợi này trong đường ruột nhằm đào thải PFAS ra khỏi cơ thể.
Một nghiên cứu khác được công bố vào đầu năm nay cũng cho thấy một số loại chất xơ, như beta-glucan có trong yến mạch, có thể liên kết với PFAS trong hệ tiêu hóa và hỗ trợ đào thải chúng ra khỏi cơ thể.
Trong khi các nghiên cứu về “hóa chất vĩnh cửu” vẫn tiếp tục, các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế tiếp xúc với PFAS bằng cách tránh sử dụng chảo chống dính có phủ PFAS và dùng thiết bị lọc nước chất lượng.
Hiện có hơn 4.700 hợp chất PFAS đang được sử dụng để làm cho các vật liệu chống nước, chống dầu và chống bám bẩn. Chúng xuất hiện phổ biến trong bao bì thực phẩm, nồi chảo chống dính, quần áo chống thấm nước, bọt chữa cháy và cả mỹ phẩm như son môi.
Một số PFAS có thể bị đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu sau vài ngày, nhưng các hợp chất có chuỗi carbon dài có thể tồn tại trong cơ thể người trong nhiều năm.