Mất ngủ được xác định là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống như suy giảm khả năng tập trung, mệt mỏi và cáu gắt.
Để đánh giá hiệu quả của các loại hình vận động khác nhau trong việc cải thiện giấc ngủ, các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đã phân tích tổng hợp 22 thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của 1.348 bệnh nhân và 13 biện pháp khác nhau nhằm cải thiện giấc ngủ.
Trong đó, có 7 phương pháp luyện tập thể chất cụ thể, gồm yoga, thái cực quyền, đi bộ hoặc chạy bộ, kết hợp thể dục nhịp điệu và rèn luyện sức mạnh, tập tạ riêng lẻ, thể dục nhịp điệu kết hợp trị liệu và các bài tập aerobic hỗn hợp.

Liệu pháp yoga giúp tăng thời gian ngủ thêm gần 2 giờ. - Ảnh: stock.adobe.com.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ Evidence-Based Medicine.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, phương pháp yoga đặc biệt hiệu quả, giúp kéo dài thời gian ngủ thêm gần 2 giờ và giảm thời gian thức giấc sau khi đã ngủ xuống gần 1 giờ. Đi bộ hoặc chạy bộ cũng được ghi nhận có tác dụng làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng mất ngủ, trong khi thái cực quyền giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Theo các nhà khoa học, các bài tập yoga với trọng tâm là nâng cao nhận thức cơ thể và kiểm soát nhịp thở có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng lo âu, trầm cảm, hai yếu tố thường ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Với thái cực quyền - một môn võ cổ truyền của Trung Quốc có đặc trưng là những chuyển động chậm rãi, uyển chuyển - các chuyên gia cho rằng kỹ thuật này tập trung vào việc điều hòa hơi thở và thư giãn cơ thể, đồng thời có thể giúp tăng cường khả năng kiểm soát cảm xúc.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, việc đi bộ hoặc chạy bộ có thể làm giảm nồng độ hormone căng thẳng cortisol và tăng cường melatonin – loại hormone đóng vai trò điều hòa chu kỳ giấc ngủ.
Các tác giả cho biết, phát hiện từ nghiên cứu này tiếp tục củng cố tiềm năng trị liệu của các hình thức vận động thể chất trong điều trị chứng mất ngủ. Với các ưu điểm như chi phí thấp, ít tác dụng phụ và dễ tiếp cận, các phương pháp như yoga, thái cực quyền, đi bộ hay chạy bộ rất phù hợp để tích hợp vào hệ thống y tế cơ sở và các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, một số thử nghiệm trong phân tích vẫn còn hạn chế về mặt phương pháp luận. Dù vậy, nghiên cứu vẫn cung cấp bằng chứng so sánh toàn diện về hiệu quả của các hình thức vận động thể chất trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ ở người mắc chứng mất ngủ.
Nhóm nghiên cứu cũng kêu gọi cần có thêm các thử nghiệm quy mô lớn hơn với chất lượng cao để khẳng định và mở rộng kết luận hiện tại.
Ngoài các biện pháp vận động, nghiên cứu cũng xem xét những phương pháp không dùng thuốc khác như liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), châm cứu, massage và thay đổi lối sống.
Nhiều thử nghiệm chỉ ra rằng CBT hiệu quả hơn và có tác dụng lâu dài hơn thuốc trong điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý một rào cản đáng kể của CBT hiện nay là thiếu nguồn nhân lực chuyên môn được đào tạo bài bản.