Kháng thể siêu nhỏ từ lạc đà giúp cải thiện nhận thức ở bệnh nhân tâm thần phân liệt

Các nhà khoa học Pháp đã phát triển thành công một phân tử từ kháng thể của lạc đà không bướu, có tiềm năng giúp bệnh nhân tâm thần phân liệt vượt qua tình trạng suy giảm nhận thức.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Di truyền học Chức năng Montpellier đã tạo ra một dạng nanobody – các kháng thể siêu nhỏ được tìm thấy ở các loài động vật họ lạc đà như lạc đà không bướu – có khả năng kích hoạt một thụ thể glutamate đặc biệt, chịu trách nhiệm truyền tín hiệu trong não.

Điều đáng chú ý, phân tử này có thể được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc cơ và vượt qua hàng rào máu não, một rào cản lớn trong phát triển thuốc điều trị các bệnh lý thần kinh.

Kết quả nghiên cứu được công bố ngày 23/07 trên tạp chí Nature.

lac da

Kháng thể siêu nhỏ từ lạc đà không bướu giúp cải thiện nhận thức ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. - Ảnh: stock.adobe.com.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nanobody không chỉ hiệu quả vượt trội so với các loại kháng thể hiện đang được sử dụng, đồng thời có khả năng phân hủy sinh học và ít gây tác dụng phụ.

Tâm thần phân liệt là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến cách con người cảm nhận và diễn giải thực tế, gây ra ảo giác, hoang tưởng, tư duy rối loạn, ngôn ngữ lộn xộn, và cảm giác thời gian bị gián đoạn. 

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa rõ, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố di truyền và môi trường có thể thúc đẩy sự khởi phát của bệnh.

Tiến sĩ Jean-Philippe Pin, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, trong khi các phương pháp hiện nay, như thuốc chống loạn thần kết hợp với trị liệu tâm lý, có thể cải thiện khả năng sinh hoạt của người bệnh, nhưng chúng chưa thật sự tác động đến những chức năng nhận thức, thậm chí một số thuốc còn gây tác dụng phụ.

Nghiên cứu cho thấy, qua thử nghiệm tiền lâm sàng trên hai mô hình động vật mô phỏng bệnh tâm thần phân liệt, việc tiêm một liều nanobody đã giúp cải thiện rõ rệt chức năng nhận thức và hoạt động não bộ, với hiệu quả kéo dài ít nhất một tuần sau tiêm.

Ông Pin khẳng định không có con lạc đà nào bị tổn hại trong quá trình nghiên cứu, bởi công nghệ hiện nay cho phép tạo ra nanobody từ thư viện gene tổng hợp dựa trên trình tự di truyền của lạc đà không bướu.

Theo ông Pin, dù chưa rõ liệu nanobody có đủ mạnh để điều trị độc lập cho bệnh nhân tâm thần phân liệt hay không, nhưng các kết quả ban đầu trên chuột cho thấy hiệu quả rõ rệt khi nanobody có thể cải thiện hầu hết các rối loạn đặc trưng của bệnh.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh cần thêm nhiều thử nghiệm để xác định tính an toàn và hiệu quả lâu dài, cũng như khả năng mở rộng ứng dụng của liệu pháp này sang các rối loạn tâm thần và thần kinh khác.

Trước đó, trong một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 6, các nhà khoa học cũng phát hiện nanobody từ lạc đà không bướu có thể là “vũ khí bí mật” trong cuộc chiến chống COVID-19.

Tiến sĩ Xavier Saelens, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định, công trình nghiên cứu này đã cung cấp nền tảng vững chắc để phát triển thế hệ kháng thể tiếp theo, không chỉ hữu ích trong việc chống lại các chủng virus corona hiện tại mà còn các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai.

Bình luận