Hơn 4.000 mỹ phẩm vi phạm bị thu giữ tại Quảng Trị và Đà Nẵng

QUẢNG TRỊ - Công an Quảng Trị và Đà Nẵng đồng loạt kiểm tra, phát hiện hơn 3.800 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất trái phép, có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng.

Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị ngày 25/6 cho biết vừa phát hiện và thu giữ 2,5 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng lớn trên địa bàn TP Đông Hà.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã đồng loạt kiểm tra 4 kho hàng thuộc cơ sở kinh doanh mỹ phẩm – phụ liệu tóc Kim Anh (địa chỉ 120B, Quốc lộ 9, phường 1, TP Đông Hà), do ông Trần Đình Vương làm chủ hộ. Qua kiểm tra, phát hiện 2.900 sản phẩm mỹ phẩm, thuộc 43 loại khác nhau, với tổng trọng lượng khoảng 2,5 tấn.

44_bat_01-1750508367157
Lực lượng Công an phát hiện, thu giữ 2,5 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại kho hàng của Trần Đình Vương - Nguồn: VTC

Trong số đó, hơn 250 sản phẩm do trong nước sản xuất không ghi đúng địa chỉ cơ sở sản xuất, không có mã số mã vạch, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Còn lại là hơn 2.600 sản phẩm do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc, nghi là hàng nhập lậu. Chủ cơ sở đã thừa nhận toàn bộ hành vi mua bán hàng hóa vi phạm, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định.

Cùng thời điểm, tại Đà Nẵng, Đội 4 – Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Công an phường Thạc Gián kiểm tra cơ sở của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Hạnh Nguyễn Beauty, do bà N.T.M.H. (37 tuổi) làm giám đốc. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hơn 1.300 sản phẩm kem dưỡng da, hơn 3.000 vỏ hộp, tem, nhãn cùng nhiều thiết bị dùng để san chiết, đóng gói mỹ phẩm.

Kết quả giám định cho thấy sản phẩm NANO WHITENING CREAM do bà H. sản xuất không đạt tiêu chuẩn công bố, không phù hợp với thông tin ghi trên bao bì. Theo quy định tại Điểm c, Khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi sản xuất mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng được xác định là sản xuất hàng giả.

Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là mỹ phẩm có thể bị phạt tù từ 1 đến 15 năm, tùy theo tính chất, giá trị và hậu quả gây ra.

Hiện toàn bộ số hàng vi phạm đã được lập biên bản, niêm phong và tạm giữ. Các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật, đồng thời cảnh báo về thực trạng mỹ phẩm trôi nổi, giả mạo, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín thương hiệu nội địa.

Bình luận