Nguyễn Thị Hợi (42 tuổi, trú tại huyện Cư Kuin), Giám đốc công ty, đã bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Trước khi bị bắt giữ, Nguyễn Thị Hợi đã tích cực xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội để quảng bá rầm rộ các sản phẩm thảo dược của công ty.
Khi trang cá nhân thu hút lượng lớn người theo dõi và trở thành nhân vật có sức ảnh hưởng, Hợi đã đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm và mời chào nhiều người mở đại lý phân phối.
Để thu hút các "thủ lĩnh", "chiến thần" bán hàng, Hợi còn chia sẻ thông tin về việc sẽ tặng ngay sổ đỏ cho các đại lý đạt doanh thu đề ra. Theo quảng bá, Hợi đã tặng khoảng 200 cuốn sổ đỏ cho những nhà phân phối xuất sắc.
Đặc biệt, Hợi còn thuê đội ngũ chuyên nghiệp để quay clip giới thiệu về dự án "khủng": xây dựng 300 căn biệt thự, mỗi căn trị giá 8 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 25ha, tọa lạc gần hồ Yang Reh, xã Yang Reh (huyện Krông Bông).
Các căn biệt thự này được quảng cáo sẽ dành tặng cho những "thủ lĩnh", "chiến thần" bán hàng xuất sắc của công ty.
Tháng 10/2023, Hợi thậm chí đã tổ chức lễ khởi công dự án biệt thự vô cùng hoành tráng, với nhiều hình ảnh lung linh, bài bản nhằm củng cố lòng tin của khách hàng và đại lý.
Việc tự ý khởi công dự án mà không có chủ trương đầu tư, không quy hoạch, và không có bất cứ giấy phép nào đã khiến Nguyễn Thị Hợi bị chính quyền UBND xã Yang Reh mời lên làm việc và ra quyết định xử phạt.
Khu vực được quảng cáo là nơi tổ chức lễ khởi công dự án bất động sản của Hợi thực chất là đất của hộ gia đình, trong đó chỉ có khoảng 300 mét vuông được cấp phép xây dựng nhà ở.

Không chỉ dừng lại ở việc lừa đảo bằng dự án "ma", Công an tỉnh Đắk Lắk còn phát hiện Công ty TNHH Trần Kim Huyền của bà Hợi có hành vi sản xuất hàng giả.
Ngày 7/1, lực lượng chức năng đã phát hiện tại công ty này đang lưu giữ hơn 1.600 sản phẩm đều mang nhãn hiệu Trần Kim Huyền, cùng nhiều nguyên liệu, bao bì, nhãn mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Thị Hợi đã tự ý tổ chức sản xuất các sản phẩm như cao bách thảo xương khớp, dạ dày, dầu xoa bóp, nước ngậm răng miệng thảo mộc tại công ty mình.
Tuy nhiên, trên nhãn mác, bao bì sản phẩm lại thể hiện thông tin tên và địa chỉ tổ chức sản xuất là Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ dược liệu mà chưa được sự đồng ý của đơn vị này.
Trong số hơn 1.600 sản phẩm thu giữ được, có hơn 1.300 sản phẩm có chỉ tiêu thành phần không đạt từ 1 đến 4 chỉ tiêu so với công bố trên bao bì.
Đặc biệt, 846 sản phẩm cao bách thảo xương khớp, dạ dày, vốn được đăng ký công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đều được xác định là thực phẩm giả về chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ.
Vụ án đang tiếp tục được Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra mở rộng để làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm và các đối tượng liên quan, nhằm xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.