Phạt 50 triệu đồng một hộ bày bán hơn 2.600 lít nước mắm không rõ nguồn gốc

VOH - Đoàn công tác phát hiện cơ sở kinh doanh của hộ ông Đ.V.Đ đang bày bán 2.620 lít nước mắm chứa trong các can loại 20 lít nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 28/6, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một hộ kinh doanh tại quận Long Biên vì kinh doanh nước mắm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, lực lượng chức năng thuộc Đội QLTT số 16 phối hợp với Đội 4 (Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của hộ ông Đ.V.Đ tại địa chỉ số 19/199/8 phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện cơ sở đang bày bán 2.620 lít nước mắm chứa trong các can loại 20 lít nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

kinh doanh nuoc mam_voh
Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh 2.600l nước mắm không rõ nguồn gốc xuất xứ. - Ảnh TPO

Qua xác minh, lô hàng này có giá trị niêm yết khoảng 54,5 triệu đồng. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, Đội QLTT số 16 đã lập hồ sơ xử lý và chuyển đề xuất xử phạt lên UBND thành phố.

Ngày 26/6, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh này với số tiền 50 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa không rõ nguồn gốc nhằm ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chi cục QLTT Hà Nội cũng cho biết thêm, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng công an phát hiện một vụ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy mô lớn tại quận Bắc Từ Liêm.

Cụ thể, Đội QLTT số 22 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo tại số 99 ngõ 2 đường Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn sản phẩm quần áo thể thao mang nhãn hiệu Nike, Adidas, Puma có dấu hiệu làm giả.

Kiểm đếm thực tế, số hàng hóa vi phạm lên đến 35.300 bộ quần áo. Chủ cơ sở là ông N.V.Q không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như giấy tờ hợp pháp liên quan đến việc sử dụng các nhãn hiệu này.

Kết luận ban đầu xác định toàn bộ số hàng hóa đều là sản phẩm giả mạo các thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng giá trị lô hàng vi phạm ước tính hơn 6,6 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Đội QLTT số 22 đã chuyển toàn bộ vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Chi cục QLTT Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm và hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, mua tại những địa chỉ uy tín để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của bản thân. Các cơ sở kinh doanh vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn cho cộng đồng.

Bình luận