Tổng tấn công hàng giả, siết chặt thị trường

VOH - Truy quét hàng giả không chỉ là chiến dịch ngắn hạn, mà cần trở thành hành động thường xuyên, liên tục và không khoan nhượng, để thị trường Việt Nam lành mạnh và đáng tin cậy hơn.

Chiến dịch tổng tấn công hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ giữa tháng 5 đã tạo ra những chuyển động mạnh mẽ trên thị trường, với thông điệp rõ ràng: không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Sau một tháng cao điểm (15/5 – 16/6), các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 10.836 vụ việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại – tăng gần 80% so với tháng trước. Tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 258%, trong khi tang vật tạm giữ ước tính lên tới 4.075 tỷ đồng, chưa bao gồm hàng cấm và ma túy. Hơn 200 vụ án hình sự đã được khởi tố với 378 bị can.

Hang gia
Ảnh minh hoạ 

Trong 6 tháng đầu năm 2025, gần 50.000 vụ vi phạm đã bị phát hiện, xử lý. Có tới 1.899 vụ án hình sự được khởi tố với 3.271 bị can, cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này.

Những con số trên đã phần nào lý giải cho việc nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm tại các điểm nóng như Ninh Hiệp, Đồng Xuân, Hàng Đào, Chùa Bộc (Hà Nội) hay Sài Gòn Square (TPHCM) bất ngờ đóng cửa trong giai đoạn cao điểm. Những “thiên đường hàng hiệu giá rẻ” này từ lâu vốn nổi danh vì hàng hóa không rõ nguồn gốc, giả mạo thương hiệu lớn, không hóa đơn, không kiểm định.

Hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan ở đủ loại mặt hàng: từ thực phẩm, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến các sản phẩm thời trang cao cấp. Điểm chung của những sản phẩm này là “4 không”: không hóa đơn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không có kiểm định. Chúng được phân phối cả online lẫn trực tiếp, từ chợ đầu mối đến cửa hàng mặt phố.

Hậu quả là người tiêu dùng gánh rủi ro lớn về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Đồng thời, sự hiện diện của hàng giả còn khiến doanh nghiệp chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh, thị phần sụt giảm, môi trường kinh doanh trở nên méo mó.

Tuy đạt được kết quả đáng ghi nhận, công tác chống hàng giả vẫn gặp nhiều thách thức. Một phần do hệ thống pháp luật chưa theo kịp thực tiễn; quản lý nhà nước còn chồng chéo, đặc biệt trong khâu cấp phép, hậu kiểm; lực lượng chức năng ở một số địa phương thiếu quyết liệt, thậm chí có biểu hiện bao che. Ngoài ra, chính người tiêu dùng cũng tiếp tay cho hàng giả vì tâm lý sính hàng ngoại, chuộng giá rẻ.

Chiến dịch truy quét lần này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây không chỉ là cuộc chiến vì quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là cam kết của Chính phủ trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thu hút các doanh nghiệp làm ăn tử tế.

Điều quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh: Nếu kinh doanh đúng pháp luật, hàng hóa minh bạch, thì không việc gì phải đóng cửa khi cơ quan chức năng vào cuộc. Việc hàng chục tấn hàng hóa bị đổ bỏ ở La Phù, hàng nghìn sản phẩm chức năng bị thải ra bãi đất trống, hay chuỗi cửa hàng đồng loạt đóng cửa ở Sài Gòn Square, Ninh Hiệp... là minh chứng rõ nét cho thực trạng đáng báo động này.

Bình luận