Ông Mark Spindel, Giám đốc đầu tư tại Potomac River Capital (Washington DC), nhận định các thị trường sẽ phản ứng hoảng loạn khi mở cửa phiên giao dịch kế tiếp. Giá dầu nhiều khả năng tăng cao do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn, làm gia tăng bất ổn và biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Chung quan điểm, ông Jamie Cox - điều hành cấp cao tại Harris Financial Group (Richmond, Virginia) - cho rằng giá dầu sẽ tăng đột biến ngay sau thông tin tấn công, trước khi dần ổn định trở lại nếu tình hình không leo thang thêm.

Diễn biến mới nhất khiến các nhà kinh tế lo ngại tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, vốn đang chịu sức ép từ những chính sách thuế quan và bất ổn địa chính trị kéo dài. Ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư tại Cresset Capital, cho biết tình hình hiện tại càng làm trầm trọng thêm rủi ro về giá năng lượng, lạm phát và tăng trưởng chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn.
Thị trường dầu mỏ đã biến động mạnh trước đó khi xung đột giữa Israel và Iran nổ ra. Tính từ ngày 10/6 đến nay, giá dầu Brent tương lai đã tăng hơn 18%, lên mức 79,04 USD/thùng — cao nhất trong gần 5 tháng. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán vẫn tương đối ổn định, dù từng chịu ảnh hưởng nhẹ sau đợt không kích của Israel vào Iran hôm 12 và rạng sáng 13/6.
Tuy nhiên, với việc Mỹ chính thức tham chiến, giới đầu tư dự báo nhiều khả năng sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo cổ phiếu, trong khi đồng USD và các tài sản trú ẩn như vàng sẽ tăng giá mạnh. Ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers, nhận xét thị trường chứng khoán khó tránh khỏi phản ứng tiêu cực, vấn đề chỉ là mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào phản ứng kế tiếp của Iran và các quốc gia trong khu vực.
Trước khi Mỹ không kích, hãng nghiên cứu Oxford Economics đã đưa ra ba kịch bản dự báo tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Kịch bản đầu tiên là căng thẳng giảm dần và thị trường dầu ổn định trở lại. Kịch bản thứ hai, Iran ngừng xuất khẩu dầu, khiến nguồn cung toàn cầu thiếu hụt. Trường hợp xấu nhất là eo biển Hormuz — tuyến hàng hải vận chuyển 20% sản lượng dầu toàn cầu — bị phong tỏa.
Oxford Economics cho biết nếu kịch bản nghiêm trọng nhất xảy ra, giá dầu thế giới có thể vọt lên mức 130 USD/thùng, kéo lạm phát tại Mỹ tăng gần 6% vào cuối năm nay. Đây sẽ là cú sốc lớn đối với thị trường năng lượng và toàn bộ nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhiều nền kinh tế vẫn đang nỗ lực phục hồi sau giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ.
Citi cũng đưa ra dự báo, giá dầu sẽ dao động quanh mức 75-78 USD/thùng nếu Iran cắt giảm xuất khẩu, còn những biến động sâu hơn sẽ tùy thuộc vào khả năng ứng phó và phản ứng của các quốc gia sản xuất dầu lớn như Ả Rập Xê Út và các nước thành viên OPEC+.
Hiện giới đầu tư quốc tế đang theo dõi sát từng diễn biến tiếp theo từ Trung Đông, trong khi thị trường chuẩn bị bước vào một tuần giao dịch đầy biến động, với rủi ro lớn đối với các tài sản rủi ro và dòng vốn có xu hướng chuyển mạnh sang các kênh trú ẩn an toàn như USD, vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ.