Sự không chắc chắn về vai trò của Mỹ trong cuộc đối đầu khu vực càng khiến thị trường thêm bất ổn, kéo theo tâm lý lo ngại lan rộng trong giới đầu tư năng lượng toàn cầu.
Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,15 USD (2,8%) lên mức 78,85 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 22/1. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 2,06 USD (2,7%) lên 77,20 USD/thùng. Tuy khối lượng giao dịch khá trầm lắng do kỳ nghỉ lễ liên bang ở Mỹ, song các động thái địa chính trị đã đủ để kích hoạt một làn sóng lo ngại mới trên thị trường năng lượng.
Iran quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện khai thác khoảng 3,3 triệu thùng/ngày. Khoảng 18-21 triệu thùng dầu/ngày được vận chuyển qua Eo biển Hormuz, một tuyến hàng hải huyết mạch nằm sát biên giới Iran.

Bất kỳ sự gián đoạn nào tại khu vực này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng dầu toàn cầu làm dấy lên lo ngại về một cuộc “sốc dầu” mới.
Theo chuyên gia Helima Croft của RBC Capital, nếu Iran cảm thấy bị đe dọa nghiêm trọng và Mỹ can dự trực tiếp, nguy cơ các cuộc tấn công nhắm vào tàu chở dầu và cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ gia tăng đáng kể.
Ngân hàng JPMorgan thậm chí cảnh báo, nếu Eo biển Hormuz bị phong tỏa, giá dầu thế giới có thể vọt lên 120-130 USD/thùng, tái hiện kịch bản giá dầu “bốc hỏa” từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng địa chính trị trước đây.
Mỹ sẽ can dự? Tình thế “chưa rõ ràng” khiến thị trường căng thẳng
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ quyết định trong vòng hai tuần tới liệu Mỹ có tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Iran hay không.
Theo chuyên gia Rory Johnston sáng lập bản tin Commodity Context thị trường đang nghiêng về kịch bản Mỹ khó có thể đứng ngoài cuộc xung đột này. “Viễn cảnh đó chính là chất xúc tác thúc đẩy giá dầu leo thang trong phiên hôm nay”, ông Johnston nhận định.
Ngay cả khi căng thẳng lắng dịu tạm thời, chuyên gia Phil Flynn từ Price Futures Group cho rằng giá dầu khó quay về mức 60 USD/thùng như cách đây một tháng. Thay vào đó, thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh nếu các yếu tố địa chính trị tiếp tục kéo dài và không có kênh đối thoại rõ ràng.