Tín hiệu này giúp trấn an thị trường và làm giảm nỗi lo về một cuộc khủng hoảng năng lượng khu vực.
Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1 USD/thùng, tương đương 1,35%, xuống còn 73,23 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm mạnh 1,21 USD/thùng, tức 1,66%, xuống mức 71,77 USD/thùng.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh này là thông tin từ một số nguồn ngoại giao cho biết Iran đang đề nghị Qatar, Saudi Arabia và Oman làm trung gian gây áp lực lên Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm yêu cầu Israel ngừng các hoạt động không kích. Đổi lại, Tehran có thể sẽ mềm mỏng hơn trong đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Động thái trên được các chuyên gia đánh giá là một nỗ lực ngoại giao nhằm tránh để căng thẳng Israel – Iran leo thang thành chiến tranh khu vực, đặc biệt là khi trước đó giá dầu từng tăng vọt hơn 13% chỉ trong một đêm sau cuộc không kích của Israel vào Iran rạng sáng 13/6.
Tuy cả hai bên vẫn tiếp tục các đòn trả đũa quân sự, song hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cơ sở xuất khẩu dầu mỏ trọng yếu bị phá hoại, điều này góp phần làm giảm sức ép lên giá dầu.
Chuyên gia phân tích năng lượng Robert Yawger của Mizuho nhận định: “Thị trường dầu mỏ đã phản ứng quá mạnh với thông tin xung đột quân sự, nhưng nay đang quay lại với thực tế rằng nguồn cung vẫn chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”
Cùng lúc, thị trường vàng thế giới cũng chứng kiến đợt điều chỉnh giảm sau chuỗi tăng giá kéo dài do căng thẳng chính trị. Giá vàng giao ngay sáng 17/6 theo giờ Việt Nam ở mức 3.392,86 USD/ounce, giảm 1,2% so với đỉnh 8 tuần. Giá vàng kỳ hạn Mỹ giảm 1%, xuống còn 3.417,30 USD/ounce.
Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cho rằng: “Nhà đầu tư đang tranh thủ chốt lời sau khi vàng tăng mạnh nhờ bất ổn Trung Đông. Việc giảm nhẹ là điều hợp lý.”
Ngoài yếu tố địa chính trị, thị trường hiện còn tập trung chú ý vào cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến kết thúc ngày 18/6. Các chuyên gia dự đoán Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại để theo dõi diễn biến kinh tế và tác động từ các biến số địa chính trị.
Nhìn chung, sự điều chỉnh trên cả hai thị trường vàng và dầu cho thấy tâm lý thận trọng quay trở lại. Dù chưa thể khẳng định xung đột đã chấm dứt, nhưng dấu hiệu về khả năng đàm phán đang mang lại kỳ vọng ổn định hơn cho thị trường toàn cầu.