Ngày 4/7, giữa đợt nắng nóng cực điểm với nền nhiệt lên tới 40 - 41°C, cao hơn nhiều so với mức trung bình mùa hè khoảng 30°C, Bộ Y tế Italy đã ban hành cảnh báo đỏ tại 20 thành phố trên toàn quốc, bao gồm thủ đô Rome và thành phố Milan.
Đây là mức cảnh báo cao nhất, cho thấy nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kể cả với người khỏe mạnh. Các nhà khí tượng học nhận định tình trạng này là hệ quả rõ rệt của biến đổi khí hậu, và Italy sẽ phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng hơn trong tương lai.

Nắng nóng đe dọa sức khỏe cộng đồng và cơ sở hạ tầng
Sóng nhiệt đang gây ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền. Việc làm ngoài trời trong khung giờ cao điểm nắng nóng được cảnh báo là cực kỳ nguy hiểm. Các khu vực như Lombardy và Lazio đã áp dụng lệnh cấm lao động ngoài trời từ 12h30 đến 16h hàng ngày.
Tại Rome, chính quyền triển khai các lều giải khát do Hội Chữ thập Đỏ điều hành ở các điểm du lịch và trung tâm giao thông. Công ty cấp nước ACEA cũng giới thiệu ứng dụng giúp người dân định vị các đài phun nước công cộng để tránh nóng. Bên cạnh đó, tờ rơi hướng dẫn ứng phó nắng nóng được phát rộng rãi, và nhiều dịch vụ hỗ trợ đặc biệt cho người vô gia cư đã được kích hoạt.
Nhiệt độ cao kỷ lục cũng khiến hệ thống hạ tầng điện bị quá tải. Một loạt thành phố như Milan, Rome, Florence và Bergamo ghi nhận tình trạng mất điện do dây cáp quá nóng và nhu cầu sử dụng điều hòa tăng vọt. Cháy rừng cũng đã bùng phát quanh Rome bao gồm khu vực gần sân bay Fiumicino, cũng như tại vùng Campania và đảo Sardinia.

Du lịch bị ảnh hưởng, người dân thay đổi thói quen sinh hoạt
Ngành du lịch tại Italy cũng chịu tác động không nhỏ. Cung điện Hoàng gia Caserta gần Naples phải đóng cửa sớm vì mất điện. Tại Milan, Nhà thờ Duomo đã lập trung tâm y tế ngay trong khuôn viên sau khi một du khách bị choáng do nắng khi đang tham quan.
Đối mặt với nắng nóng cực đoan, người dân Italy đang điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Nhiều người chọn tập thể dục hoặc đi làm từ rất sớm để tránh khung giờ nắng đỉnh điểm. Khách du lịch tìm đến những điểm tham quan dưới lòng đất như “Thành phố nước” ở Rome vừa để tránh nóng, vừa khám phá các di tích lịch sử La Mã cổ đại. Ô che nắng vốn không phổ biến, nay cũng dần trở thành vật dụng thường nhật.
Biến đổi khí hậu và viễn cảnh đáng lo ngại
Các chuyên gia cảnh báo nếu thế giới tiếp tục phát thải khí nhà kính ở mức cao, nhiệt độ trung bình năm tại Italy có thể tăng thêm 2,4°C vào năm 2050. Điều này sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và cháy rừng diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn, đặt ra thách thức lớn cho sức khỏe cộng đồng, hạ tầng và nền kinh tế nước này.
Trong bối cảnh đó, giới chức Italy kêu gọi người dân cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa và điều chỉnh sinh hoạt phù hợp để thích ứng với tình trạng thời tiết ngày càng cực đoan.