Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình trên khắp châu Phi đang tăng nhanh, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Dự báo đến năm 2050, mức tăng nhiệt độ tại đây có thể lên tới 4 độ C, dẫn đến hạn hán kéo dài và tình trạng cạn kiệt nguồn nước ở nhiều nơi.
Tại các lưu vực sông lớn như Zambezi, dòng chảy sông ngòi đã giảm mạnh trong năm qua do lượng mưa sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống người dân. Mặc dù một số khu vực ghi nhận lượng mưa tăng trong thời gian ngắn, tình trạng thiếu nước vẫn tiếp diễn và có xu hướng tồi tệ hơn.

Người dân tại nhiều vùng như phía Nam và Trung Phi đang chứng kiến sự biến mất của đầm lầy, suối ngầm và các nguồn nước mặt. “Trước kia, chúng tôi có mưa gần như mỗi ngày. Nay, cả tháng trời không có một giọt mưa,” nông dân Robert Atugonza chia sẻ, đồng thời cho biết mùa vụ ngày càng thất thường khiến nông nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng.
Ngược lại, khu vực Sahel lại hứng chịu các đợt mưa lớn gây ngập lụt, trong khi các vùng ven biển như Tây Phi và châu thổ sông Nile đang phải đối mặt với mực nước biển dâng. Từ năm 1900 đến nay, mực nước biển quanh châu Phi đã tăng khoảng 20 cm và có thể tăng thêm 35–50 cm vào năm 2050.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Türk cảnh báo: “Khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng nhân quyền. Hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và sóng nhiệt đang đe dọa nghiêm trọng đến quyền được sống, sức khỏe và môi trường an toàn của con người.”
Theo các nhà khoa học, tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan tại châu Phi đã tăng gấp 2–3 lần kể từ năm 1990. Giới chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng cắt giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch và các giải pháp thích ứng bền vững để hạn chế thiệt hại trong tương lai.