Trí tuệ nhân tạo - Sức mạnh định hình tương lai báo chí

VOH - Trong kỷ nguyên số hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành nhân tố cách mạng hóa lĩnh vực báo chí và truyền thông, với ứng dụng ngày càng phổ biến tại các tòa soạn trên toàn cầu.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng, AI đang trở thành “trợ lý” đắc lực trong các tòa soạn báo chí. Công nghệ này không chỉ hỗ trợ nhà báo nâng cao hiệu quả công việc hằng ngày, mà còn mở ra nhiều cơ hội đổi mới cho toàn ngành trong kỷ nguyên số.

Hiện có 3 xu hướng chính đang tác động trực tiếp đến báo chí và truyền thông, bao gồm: Nhiều loại thiết bị mới ra đời; Nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ; Làn sóng trí tuệ nhân tạo - AI.

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí triển khai nội dung trên các nền tảng số, ưu tiên các nền tảng số trong nước.

90% cơ quan báo chí ứng dụng nền tảng phân tích và xử lý dữ liệu tập trung, tích hợp trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

100% cơ quan báo chí vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với xu hướng công nghệ tiên tiến toàn cầu, sản xuất nội dung theo định hướng báo chí số.

AI bao chi (1)

Ảnh minh họa được tạo bởi AI.

AI – “Trợ lý” mới của các tòa soạn trên toàn cầu

Theo thống kê, có khoảng 73% các tổ chức báo chí quốc tế đã ứng dụng AI vào quy trình sản xuất tin tức, với hơn 49% nhà báo sử dụng công cụ AI trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày. Ước tính mỗi ngày có hơn 60.000 bài viết được tạo ra với sự hỗ trợ toàn phần hoặc một phần từ AI.

Thời báo New York Times (Mỹ) đã hợp tác với Jigsaw để tăng tốc kiểm duyệt hàng nghìn bình luận của độc giả mỗi ngày. Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters (Anh) đã dùng phần mềm News Tracer để sàng lọc, phân tích và đánh giá độ tin cậy của các tin nóng trên mạng xã hội.

Theo khảo sát từ Viện Báo chí – Truyền thông, có 96,3% nhà báo đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chủ yếu cho các mục đích hỗ trợ như phân tích dữ liệu (30%), gợi ý tiêu đề (25%) và tóm tắt nội dung (16,7%). Tuy nhiên, mức độ tin tưởng vào nội dung AI tạo ra còn hạn chế (59,6% cho rằng cần kiểm chứng kỹ lưỡng).

AI cũng đang được các cơ quan báo chí đón nhận mạnh mẽ, với khoảng 25% tòa soạn đã ứng dụng AI trong vận hành. Nhiều cơ quan báo chí lớn trong nước như VTV, HTV, VOH, Báo Nhân Dân, VnExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, … cũng đang sử dụng AI trong sản xuất nội dung, từ phát thanh, truyền hình, biên tập, đến tạo giọng đọc tự động và quản trị nội dung số.

Báo VietnamPlus ứng dụng AI dịch thuật để xuất bản tin tức song ngữ, giảm đáng kể chi phí nhân lực. VnExpress tích hợp AI phân tích hành vi người đọc, cá nhân hóa trang chủ theo nhu cầu từng cá nhân. Truyền hình VTV thử nghiệm chatbot trả lời thông tin lịch phát sóng, và podcast AI tự động hóa. Báo Tuổi Trẻ sử dụng hệ thống dashboard theo dõi hiệu quả từng bài viết để điều chỉnh chiến lược nội dung.

Tuy nhiên, phần lớn AI tại Việt Nam hiện mới dừng ở mức hỗ trợ, chưa can thiệp mạnh vào khâu sản xuất nội dung gốc như tại các tòa soạn lớn quốc tế.

Lợi ích song hành thách thức

Việc ứng dụng AI đang mang đến nhiều thay đổi tích cực cho ngành báo chí, đặc biệt trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nội dung và tăng cường trải nghiệm người dùng.

Các công cụ AI giúp tự động hóa các công đoạn lặp lại như thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu và soạn thảo bản nháp, từ đó tiết kiệm thời gian, tối ưu nguồn lực và hỗ trợ nhà báo tập trung vào nội dung chuyên sâu, có giá trị xã hội cao hơn.

Ngoài ra, AI cũng hỗ trợ phát hiện xu hướng thông tin mới, kiểm tra chéo dữ liệu từ nhiều nguồn, từ đó nâng cao độ chính xác cho bài viết. Khả năng phân tích hành vi người dùng cũng cho phép AI cá nhân hóa nội dung theo sở thích từng độc giả, giúp tăng tỷ lệ tương tác và giữ chân người đọc lên đến 83%.

Image 2 (1)

Ảnh minh họa được tạo bởi AI.

Cùng với những lợi ích đáng kể, AI cũng đặt ra hàng loạt thách thức nghiêm trọng. Một trong số đó là nguy cơ lan truyền tin giả với độ chân thực cao, gây khó khăn cho các tòa soạn trong việc kiểm chứng thông tin.

AI còn đặt ra vấn đề về quyền riêng tư và bản quyền. Nhiều công ty công nghệ đã sử dụng nội dung báo chí để huấn luyện các mô hình AI tạo sinh mà không xin phép hoặc trả thù lao cho các tòa soạn, gây thất thu lớn cho ngành - ước tính lên đến 2 tỷ USD mỗi năm.

Việc khai thác dữ liệu người dùng một cách thiếu kiểm soát, những thuật toán gợi ý mang tính định kiến hoặc tin giả được phát tán qua các kênh tự động hóa có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với báo chí chính thống.

Định hình báo chí cách mạng Việt Nam thời đại AI

Trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ, ngành báo chí cần có lộ trình hành động cụ thể nhằm khai thác hiệu quả công nghệ mới, đồng thời bảo vệ các giá trị cốt lõi của nghề báo.

PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây đã và đang làm thay đổi căn bản cách thức con người tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin. Các công cụ AI như mô hình ngôn ngữ lớn, hệ thống tổng hợp và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, công nghệ deepfake, công cụ tạo hình ảnh và giọng nói nhân tạo… trở thành những yếu tố định hình lại toàn bộ chuỗi giá trị trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.

Việc hoàn thiện khung pháp lý là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến bản quyền nội dung, trách nhiệm khi sử dụng AI và minh bạch trong quy trình sản xuất tin tức. Bên cạnh đó, các chuẩn mực đạo đức nghề báo trong thời đại số cần được xác lập và phổ biến rộng rãi.

Các cơ quan báo chí cần đầu tư vào các công cụ kiểm chứng thông tin tự động để kịp thời phát hiện tin giả, đồng thời phát triển các mô hình AI riêng để phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người làm báo, đặc biệt là trong các tác phẩm điều tra, phân tích chuyên sâu và phản biện xã hội. Vì vậy, cần đẩy mạnh đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên về kỹ năng sử dụng AI trong nghiệp vụ, đồng thời củng cố các năng lực cốt lõi như tư duy phản biện, kiểm chứng thông tin và đạo đức nghề nghiệp.

Sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, giới công nghệ và nhà hoạch định chính sách sẽ là yếu tố then chốt để tạo ra những giải pháp toàn diện, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và bảo vệ giá trị xã hội, đảm bảo ngành báo chí tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong thời đại số.

Bình luận