Đến dự có Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cùng dự còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà báo lão thành, các nhà báo tiêu biểu, lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí.
Đây là dịp để tôn vinh những cống hiến của các nhà báo và khẳng định giá trị của báo chí cách mạng Việt Nam. Sự kiện đánh dấu một mốc son lịch sử và mở ra hướng đi mới cho ngành báo chí trong thời đại số.

Trước khi lễ kỷ niệm diễn ra, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã tham quan các gian trưng bày của các cơ quan báo chí tại Hội Báo toàn quốc 2025.

Trình bày diễn văn kỷ niệm tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh: Kỷ niệm trọng thể 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để tất cả chúng ta ôn lại, nhân lên niềm tự hào, kính trọng, lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chính Người đã sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện, và là người thầy vĩ đại của nền Báo chí cách mạng Việt Nam.
Chúng ta mãi mãi tự hào và trân trọng biết ơn các nhà lãnh đạo, các chiến sĩ cách mạng, các nhà báo tiền bối xuất sắc, mẫu mực.


Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Chạm ngưỡng cửa 100 năm, không chỉ là truyền thống vẻ vang, là dấu ấn cách mạng, là những câu chuyện quá khứ tự hào, mà còn là vị thế, diện mạo của một nền báo chí, với gần 800 cơ quan báo chí và đội ngũ 41.000 người làm báo tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, làm chủ công nghệ báo chí hiện đại, là những cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, các cơ quan báo chí được công chúng tin yêu và vươn tầm khu vực, thế giới.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu từ việc thay đổi phương thức sản xuất, lực lượng lao động, năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.
Thách thức về chuyển đổi số tạo ra sức ép rất lớn, thậm chí gay gắt cho báo chí. Giá trị báo chí truyền thống vẫn cần được nuôi dưỡng, phát huy, tiếp lửa bên cạnh những phương thức và nền tảng chuyển tải thông tin hiện đại.
Trí tuệ nhân tạo không thay thế được bản lĩnh, cốt cách, tâm hồn, sự dấn thân vì cộng đồng của báo chí. Công nghệ đem lại cho báo chí hơi thở mới, diện mạo mới, cách thức tác nghiệp mới, nhưng không thể thay thế tư duy, cá tính hóa, phong cách hóa, vì con người, cho con người và cộng đồng.