Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong quản lý hành chính, khi gần 90% thủ tục quan trọng được phân cấp trực tiếp xuống cấp xã, phường nơi gần dân nhất.
Để tạo hành lang pháp lý cho cải cách, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định 2304, công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền quản lý. Tổng cộng 48 thủ tục được cập nhật bao gồm: 2 thủ tục cấp Trung ương; 32 thủ tục cấp tỉnh; 14 thủ tục cấp xã.
Các thủ tục cấp xã bao gồm: xác định lại diện tích đất ở đã được cấp giấy chứng nhận trước 1/7/2004; đính chính giấy chứng nhận có sai sót; thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận đã cấp sai quy định…Đây là những thủ tục thường xuyên phát sinh, có tính thực tiễn cao với người dân.

Cùng ngày, Nghị định 151/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, phân định rõ thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai giữa hai cấp chính quyền.
UBND cấp xã được thực hiện các thủ tục như: Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thời gian giải quyết cũng được rút ngắn mạnh mẽ: Không quá 17 ngày làm việc với đăng ký đất đai lần đầu; Không quá 3 ngày làm việc với việc cấp giấy chứng nhận.
Một điểm mới mang tính đột phá là người dân, doanh nghiệp không còn bị ràng buộc phải nộp hồ sơ tại nơi có đất. Thay vào đó, có thể lựa chọn bất kỳ xã nào trong tỉnh hoặc nộp tại văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh hoặc chi nhánh đặt tại cấp xã/liên xã, phường. Quy định này giúp giảm tải cho các điểm tiếp nhận đông dân cư, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Không còn tổ chức chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện như trước. Thay vào đó, các điểm tiếp nhận đặt tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc khu vực liên xã do UBND cấp tỉnh quyết định.
Việc giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu chỉ thực hiện tại cấp xã được kỳ vọng sẽ phân cấp mạnh mẽ, giảm khâu trung gian, tăng tính chủ động cho chính quyền cấp cơ sở. Đặc biệt, các cán bộ xã, phường những người sát thực tế nay có thẩm quyền xử lý các vấn đề về quy hoạch, đền bù, tính tiền sử dụng đất…nhờ đó thủ tục được giải quyết nhanh gọn hơn.
Với doanh nghiệp, nhất là các chủ đầu tư dự án bất động sản, cải cách này là “cú hích” lớn. Không còn phải “chạy” nhiều cấp để xin ý kiến, quy trình được rút ngắn rõ rệt giúp đẩy nhanh tiến độ thủ tục, giải phóng nguồn cung làm thị trường bất động sản trở nên nhộn nhịp, đa dạng sản phẩm và phản ứng nhanh hơn với nhu cầu thực tế.