Ngày 8/7, Bộ Y tế cho biết đã ban hành Thông tư 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 1/10/2025.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 1/1/2026.
Đơn thuốc điện tử là một cấu phần rất nhỏ và tất yếu phải có trong bệnh án điện tử. Rộng hơn, đơn thuốc điện tử còn phát sinh tại cơ sở khám chữa bệnh cho người bệnh không điều trị nội trú và không có bệnh án. Chỉ khi sử dụng đơn thuốc điện tử rộng khắp trên phạm vi toàn quốc mới đảm bảo giám sát quản lý hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn tới từng cơ sở y tế.

Theo Tiến sĩ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khi thực hiện theo quy định tại Thông tư, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau.
Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn, tất cả đều có thể theo dõi được.
Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Thông tư 26 cũng yêu cầu tích hợp số định danh cá nhân vào đơn thuốc. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm đồng bộ hóa dữ liệu y tế với hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây cũng là việc triển khai theo đúng tinh thần Đề án 06 của Chính phủ.
Khi người dân sử dụng số định danh cá nhân, nhiều thông tin hành chính như họ tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ… sẽ được tự động hiển thị trên hệ thống. Điều này sẽ giúp giảm thời gian kê đơn, hạn chế sai sót và đơn giản hóa thủ tục cho cả người bệnh và nhân viên y tế.
Thông tư 26 cũng yêu cầu người kê đơn cần ghi rõ số lượng sử dụng mỗi lần, số lần sử dụng trong ngày, số ngày sử dụng thuốc cho người bệnh.
Thông tư cũng cập nhật các quy định mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (như chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả…).
Đồng thời có hướng dẫn rõ hơn về xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đã cấp cho người bệnh nhưng không sử dụng hết hoặc người bệnh tử vong.
Bộ Y tế sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật phần mềm, đặc biệt ưu tiên hướng dẫn tuyến y tế cơ sở để đảm bảo mọi cơ sở khám, chữa bệnh đều có thể triển khai hiệu quả.