Trong đó, việc kê đơn thuốc điện tử sẽ trở thành bắt buộc tại tất cả bệnh viện trên toàn quốc từ ngày 1/10/2025. Đây được xem là một trong những bước chuyển quan trọng của ngành y tế trong việc hiện đại hóa quản lý khám chữa bệnh, sử dụng thuốc an toàn và kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/10 tới, 100% bệnh viện sẽ phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử. Từ ngày 1/1/2026, quy định này sẽ mở rộng đến toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh khác như phòng khám đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế quận huyện, phòng mạch tư nhân.

Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đơn thuốc điện tử sẽ được kết nối trực tiếp với hệ thống quản lý dược quốc gia, cho phép cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động bán thuốc theo đơn trên toàn quốc.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, khi đơn thuốc được số hóa và liên thông, tất cả giao dịch bán thuốc sẽ được theo dõi. Việc này giúp cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện các trường hợp bán thuốc không có đơn, kê sai đơn, lạm dụng kháng sinh hay thuốc gây nghiện.
Cụ thể, người bệnh chỉ có thể mua thuốc đúng loại, đúng liều lượng khi mang theo đơn thuốc điện tử có mã QR hợp lệ. Nhân viên nhà thuốc quét mã để kiểm tra thông tin và thực hiện bán thuốc theo đúng nội dung đơn. Các trường hợp tự ý bán thuốc kháng sinh, thuốc kê đơn mà không có mã xác thực sẽ bị xử lý nghiêm.
Điểm mới của đơn thuốc điện tử là yêu cầu người bệnh cung cấp số định danh cá nhân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Thông tin này sẽ được đồng bộ tự động với các dữ liệu như giới tính, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú… giúp rút ngắn thời gian kê đơn và hạn chế nhầm lẫn hành chính.
Việc số hóa đơn thuốc cũng giúp hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý sức khỏe liên tục, hướng tới việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân, kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Theo Thông tư 26, bác sĩ phải ghi rõ số lượng thuốc sử dụng mỗi lần, số lần trong ngày và số ngày điều trị. Quy định này nhằm tránh tình trạng ghi đơn không cụ thể, để người bệnh tự ý điều chỉnh liều lượng gây nguy hiểm.
Các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc chứa tiền chất cũng được quy định rõ về điều kiện kê đơn và cách xử lý khi người bệnh không dùng hết hoặc không còn khả năng sử dụng.
Thông tư cũng yêu cầu bác sĩ chỉ kê đơn thuốc khi thực sự cần thiết, phù hợp với tình trạng bệnh và chỉ định điều trị. Các cơ sở y tế sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát nội bộ để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kê đơn tràn lan, đặc biệt với nhóm thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tâm thần và thuốc kê đơn dài hạn.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc chuyển từ đơn thuốc giấy sang đơn thuốc điện tử không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong quản lý điều trị, sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Mỗi đơn thuốc giờ đây đều để lại dấu vết số, không thể chỉnh sửa hay xóa bỏ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo vệ quyền lợi người bệnh.