Đề xuất này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường chất lượng Chương trình Tiêm chủng mở rộng, vốn đã đóng góp lớn vào việc giảm mạnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ, đã được triển khai từ năm 1985 và đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Từ 6 loại vaccine thiết yếu ban đầu, đến nay chương trình đã cung cấp vaccine phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ thực hiện, các quy định hiện hành đã bộc lộ những điểm cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung tập trung vào nhiều khía cạnh quan trọng, bao gồm mở rộng định nghĩa và hình thức tiêm chủng.
Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung một số định nghĩa tại Điều 3 Nghị định số 104/2016 như "tiêm chủng chống dịch", "cơ sở tiêm chủng".
Đặc biệt, dự thảo bổ sung các hình thức tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng để phù hợp với thực tế, bao gồm tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bù liều và tiêm chủng chiến dịch nhằm chủ động phòng, chống dịch.
Hoạt động tiêm chủng chống dịch cũng được bổ sung cho những người có nguy cơ mắc bệnh tại vùng có dịch hoặc người được cử đến vùng có dịch.
Kế hoạch cung ứng vaccine dài hạn: Dự thảo sửa đổi quy định về việc dự trữ vaccine tại Điều 7 Nghị định 104/2016, trong đó đề xuất Kế hoạch cung ứng, sử dụng vaccine giai đoạn 3 năm.
Điều này nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định mới về đấu thầu, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tránh gián đoạn cung ứng vaccine và thích ứng với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ Y tế bổ sung nội dung hoạt động được ngân sách trung ương bố trí kinh phí tại Điều 14 Nghị định 104/2016 bao gồm "ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng". Điều này nhằm phù hợp với Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Dự thảo sửa đổi quy định về bồi thường, bồi hoàn. Theo nguyên tắc mới, ngân sách cấp nào bồi thường cho cấp đó; tổ chức, cá nhân gây thiệt hại ở cấp nào thì bồi hoàn cho cấp đó, phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.
Bộ Y tế nhấn mạnh rằng việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung là vô cùng cần thiết để tiếp tục duy trì thành quả của công tác tiêm chủng, đảm bảo triển khai hiệu quả và thống nhất trên toàn quốc.
Điều này cũng giúp từng bước tăng số lượng vaccine trong tiêm churmg mở rộng giai đoạn 2022-2030 và có cơ sở bố trí nguồn ngân sách mua vaccine phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh chủ động.
Theo dự thảo, vaccine sử dụng cho hoạt động tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng sẽ do Nhà nước bảo đảm về số lượng, chủng loại phù hợp nhu cầu đề xuất của ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho giai đoạn 3 năm và điều chỉnh cập nhật hằng năm.
Các cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm lập dự kiến nhu cầu vaccine và gửi lên cơ quan quản lý tiêm chủng cấp xã trước ngày 30 tháng 4 hàng năm để tổng hợp.
Những thay đổi này thể hiện nỗ lực của Bộ Y tế trong việc cập nhật khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tiêm chủng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện và bền vững.