100 năm Báo chí: Dấu mốc và lời hứa từ những người làm báo

TPHCM - Những nhà báo trẻ hôm nay đang viết tiếp truyền thống vẻ vang của nghề báo bằng chính tinh thần dấn thân đầy nhiệt huyết và trách nhiệm.

Năm 2025, đánh dấu 100 năm ra đời nền báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925), một dấu mốc thiêng liêng mở ra dịp nhìn lại hành trình lịch sử vẻ vang gắn liền với sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên, báo chí Việt Nam đã đi suốt chiều dài lịch sử đất nước như một ngọn đuốc tư tưởng.

Một thế kỷ trôi qua, vai trò người làm báo ngày càng mở rộng, không chỉ là người đưa tin mà còn là người dẫn dắt dư luận, người truyền cảm hứng, người giám sát quyền lực xã hội. Trong thời đại công nghệ số, nhà báo đứng giữa thách thức của tốc độ, chính xác và đạo đức nghề nghiệp. Họ phải chạy đua với từng phút giây nhưng vẫn giữ trọn bản lĩnh nghề nghiệp và “lửa” đam mê trong từng dòng tin, tấm ảnh.

Tại TPHCM, hàng ngàn phóng viên, biên tập viên đang miệt mài ghi lại từng chuyển động của thành phố. Những phóng viên trẻ hôm nay không ngại khó, ngại khổ, xông pha hiện trường, bám trụ các vùng biên giới, vùng sâu vùng xa hay hòa mình vào dòng chảy đô thị để “chạm” vào những vấn đề nóng bỏng, phản ánh trung thực, nhân văn từng sự kiện.

Dù ở thời đại nào, người làm báo cách mạng luôn mang trong mình tinh thần phụng sự xã hội - nói thay tiếng nói của người dân, phản ánh những bất công, cổ vũ cái đúng, cái tốt và đấu tranh với cái xấu, cái ác.

Những nhà báo của niềm đam mê và sứ mệnh

Phóng viên Hoàng Thanh (Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) chia sẻ về nghề báo nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam:

Cơ duyên của nghề báo với mình bắt đầu từ những năm học THPT, khi đó, mình thường xuyên đón đọc Mực Tím, Hoa Học Trò và niềm yêu thích viết lách cũng bắt đầu được nhen nhóm. Mình nhớ như in bản tin đầu tiên được đăng là trên Tuổi trẻ online, mục Nhịp sống trẻ - thời điểm đó mình đang là sinh viên năm hai, ngành Báo chí và mình hạnh phúc vô cùng.

ảnh_Viber_2025-06-20_20-21-40-253
Phóng viên Hoàng Thanh nhận giải thưởng Báo chí TPHCM 2025 - Ảnh: Hoàng Thanh

Viết báo với mình không hẳn là đam mê nhưng đây là công việc yêu thích của mình, công việc này giúp mình được trải nghiệm, gặp gỡ nhiều hoàn cảnh, nhiều thành phần trong xã hội; giúp mình hiểu đúng và hiểu sâu hơn các vấn đề.

Với mình, sứ mệnh của một người làm nghề cầm bút là đưa những thông tin chính thống, xác thực, minh bạch và đôi lúc là phản biện đến với bạn đọc, công chúng. Mỗi tác phẩm là một thông điệp, là cách để truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với công chúng - một cách dễ hiểu, gần gũi.

Mỗi anh chị phóng viên đều có một thế mạnh về mảng miếng khác nhau. Nhưng chung quy, mỗi người khi khai thác sâu một tác phẩm về một vấn đề mà mình đang phụ trách đều dồn hết tâm sức của mình để tìm hiểu, ghi nhận thực tế. Và để làm tốt các tác phẩm báo chí, mỗi phóng viên đều tâm huyết với nghề của mình.

ảnh_Viber_2025-06-20_20-21-40-722
Phóng viên Hoàng Thanh nhận giải 3, giải Báo chí TPHCM lần thứ 43-2025

Mình đơn cử như thời điểm thực hiện tác phẩm “TPHCM cùng cả nước, cả nước cùng TPHCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, mình phải tìm hiểu rất kỹ thông tin về chip bán dẫn là gì, TPHCM cùng cả nước đã và đang có những lợi thế gì để phát triển công nghiệp bán dẫn…Và cũng phải mất gần 1 tháng mới có đủ dữ liệu để thực hiện loạt bài, 3 kỳ “TPHCM cùng cả nước, cả nước cùng TPHCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”. Tác phẩm này vinh dự khi nhận được giải 3, giải Báo chí TPHCM lần thứ 43 năm 2025 ở hạng mục: Phóng sự, Phóng sự điều tra, Ký báo chí, Phim tài liệu.

2 năm vừa qua có lẽ là một dấu ấn đẹp trong hơn 10 năm làm nghề Báo của mình, khi may mắn nhận được gần 10 giải thưởng Báo chí. Mình cảm thấy vinh dự và hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình được ghi nhận, được lan toả. Và mỗi giải thưởng ở những cuộc thi khác nhau, giúp mình có thêm niềm tin, động lực để nỗ lực hơn trong hành trình làm nghề.

c7521d59b94c0e12575d
Phóng viên Kim Ngân (Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) - Ảnh: Kim Ngân

Với phóng viên Kim Ngân (Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) làm báo là một niềm tự hào.

Mình chọn ngành báo chí để thi đại học do vậy sau khi ra trường được làm đúng chuyên ngành đào tạo đã là một may mắn và hạnh phúc. Dẫu ban đầu “phát thanh” không phải loại hình báo chí mình đam mê nhất nhưng có lẽ mình có “duyên nghề” với nó nên đã gắn bó hơn 10 năm nay.

Với mình, được trở thành một “nhà báo” là một niềm tự hào không phải bởi nó hay được nhắc đến như “quyền lực thứ tư” mà vì nó cho mình cơ hội được đi nhiều nơi, được tiếp xúc nhiều người, được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc qua từng sự kiện, gặp gỡ từng nhân vật và phản ánh tất cả những điều đó qua mỗi trang viết.

Trong hơn 1 thập kỉ làm nghề, mình đã may mắn được trao nhiều cơ hội tác nghiệp mà có lẽ không phải ngành nghề nào cũng có được. Nhất là trong đại dịch Covid-19, báo chí đã phát huy vai trò không nhỏ để cùng cả nước phòng, chống dịch và thời điểm ấy, mình đã trở thành một “phóng viên chiến trường” ngay trong tâm dịch ở Gò Vấp - nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó sẽ mãi là những tháng ngày tác nghiệp không thể nào quên trong hành trình làm báo đầy tự hào của mình.

497e2d518d443a1a6355
Phóng viên Kim Ngân tác nghiệp trong chuyến công tác tại Trường Sa 

Giữ vững ngọn lửa nghề

Trong hành trình làm nghề, phóng viên Kim Ngân vinh dự có chuyến hành trình thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Chuyến thăm là dịp để mỗi nhà báo được trải nghiệm thực tế nơi đầu sóng ngọn gió. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam chị có những chia sẻ về hải trình quý giá của cuộc đời mình.

Phóng viên Kim Ngân chia sẻ: Mình may mắn được tham gia đoàn công tác số 07 năm 2019 cùng các đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm quân và dân ở huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đó là niềm vinh dự quá lớn đối với một phóng viên trẻ như mình. Bởi mình biết rằng đến thăm Trường Sa là giấc mơ của rất nhiều người, cơ hội bằng vàng mà đôi khi có tiền chưa chắc đi được.

Đã 6 năm trôi qua kể từ chuyến công tác ấy nhưng những hồi ức về chuyến đi còn rất sinh động trong tim mình và mình tin rằng trong tâm trí của tất cả các đại biểu của đoàn công tác số 7 cũng vậy. Mình đã cùng các đại biểu tham gia rất nhiều hoạt động trong suốt hải trình năm ấy nhưng điều khiến mình nhớ nhất có lẽ là hoạt động làm phát thanh trên tàu.

26b9c8897f9cc8c2918d
Phóng viên Kim Ngân cùng lính đảo Trường Sa 

Là một phóng viên báo nói, việc góp giọng trên làn sóng của VOH là chuyên môn, là nhiệm vụ thường nhật của mình, thế nhưng khi làm phát thanh trên tàu lại cho mình trải nghiệm khác biệt lắm.

Phương tiện để làm phát thanh khá đơn giản, tận dụng thiết bị trên tàu, giọng nói thì mộc mạc tuyệt đối vì không hề thông qua phần mềm hay thiết bị xử lí nào. Thế nhưng các chương trình phát thanh giản đơn ấy lại được sự đón nhận nồng nhiệt của cả con tàu.

Trong 9 ngày lênh đênh trên biển, mình đã được các chiến sĩ hải quân dạy cho cách quan sát thiên văn, những chòm sao gắn liền với an nguy của những chuyến hải trình giữa đại dương sâu thẳm.

Đối với mình, từ sau chuyến hải trình ấy, biển đảo đã mở ra cho mình một nguồn đề tài đầy cảm xúc. Cũng nhờ mối duyên đến với Trường Sa năm ấy, mình tiếp tục được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử của con đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là những anh hùng của đoàn tàu Không số huyền thoại.

Để rồi mình lại viết, một loạt bài về con đường huyền thoại trên biển ấy như một cách đáp đền những duyên lành mà biển đảo đã trao cho mình. Hơn hết, mình thấy bản thân phải có trách nhiệm của thế hệ hôm nay, mãi mãi không được lãng quên những hi sinh máu xương cho độc lập tự do của dân tộc mà lớp lớp thế hệ cha anh đã đánh đổi, trong đó có sự đóng góp to lớn của những người chiến sĩ hải quân.

Giữa nhịp chuyển mình không ngừng của thế giới số, những nhà báo trẻ vẫn lặng lẽ tiến bước, giữ vững ngọn lửa nghề nghiệp trong tim. Họ mang theo khát vọng cháy bỏng được cống hiến, được sống trọn vẹn với lý tưởng làm báo. Chính họ - với trái tim nóng và cái đầu tỉnh táo - đang viết tiếp những trang vàng trong hành trình 100 năm rạng rỡ của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam bằng tất cả lòng yêu nghề.

Bình luận