Tổng Bí thư Tô Lâm: Tầm nhìn mới cho TPHCM mới là trở thành “siêu đô thị quốc tế”

TPHCM - Tổng Bí thư đánh giá, việc sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM đánh dấu bước chuyển mình mang tính bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam.

Sáng 18/6, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương.

Tại buổi làm việc, báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại TPHCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương cho thấy cả ba địa phương đều đang hội tụ những nền tảng thể chế - quản trị số hàng đầu cả nước.

tong-bi-thu-180625
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu quán triệt, định hướng nội dung buổi làm việc - Ảnh: SGGP

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được, đồng thời chỉ ra một số mặt còn hạn chế.

TPHCM là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng không gian phát triển bị bó hẹp, quá tải hạ tầng, áp lực dân số lớn. Bình Dương dù là điểm sáng về công nghiệp hóa và thu hút FDI, nhưng mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào sản xuất gia công, thâm dụng lao động và đất đai. Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn gặp khó khăn trong liên kết vùng và phát triển chuỗi giá trị; du lịch nặng tính mùa vụ.

Tổng Bí thư khẳng định, việc thành lập TPHCM cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương là sự tái cấu hình toàn diện không gian phát triển, nơi ba cực kinh tế năng động bậc nhất cả nước hội tụ thành một siêu đô thị - tài chính - công nghiệp - cảng biển. 

Tầm nhìn mới cho TPHCM mới là trở thành “siêu đô thị quốc tế” của Đông Nam Á - một đô thị thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về sức mạnh kinh tế mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động. 

Khẳng định TPHCM mới phải là nơi cụ thể hóa mạnh mẽ nhất các yêu cầu cải cách mà Trung ương đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, Thành phố phải chủ động đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2035 và năm 2045.

Đó là, khẩn trương hoàn thiện một mô hình quản trị mới, mạnh hơn cấp tỉnh, linh hoạt hơn cấp vùng, đủ sức điều hành một siêu đô thị ba cực trong kỷ nguyên hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. TPHCM mới phải tiêu biểu cho một chính quyền số kiến tạo - minh bạch - hiệu quả, vừa xử lý tốt việc điều hành, đồng thời dẫn dắt sự phát triển, đổi mới sáng tạo, giữ được niềm tin xã hội trong quá trình phát triển. 

tphcm-180625
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tầm nhìn mới cho TPHCM mới là trở thành “siêu đô thị quốc tế” của Đông Nam Á - Ảnh: HL

Theo Tổng Bí thư, TPHCM mới cần thiết lập hệ thống quản trị thông minh, hiện đại, đồng bộ toàn diện, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước, điều hành kinh tế - xã hội, quản lý hạ tầng, dịch vụ công, nâng cao năng lực phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn vùng. 

Thành phố phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tri thức, sáng tạo, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Tổng Bí thư yêu cầu Thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung nhiều hơn vào xây dựng nền kinh tế sáng tạo, thương hiệu, tri thức và tham gia những nấc thang cao của các chuỗi giá trị toàn cầu, dứt khoát từ bỏ tư duy phân mảnh “nội thành ngoại thành”, “thành phố - tỉnh lân cận”.

“TPHCM mới phải là một hệ sinh thái đô thị vùng có cấu trúc đa trung tâm, vận hành theo logic kinh tế chức năng chuỗi giá trị. Mỗi cực phát triển, từ Thủ Thiêm, Thủ Đức đến Dĩ An, Bến Cát, Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu, đều phải được quy hoạch như một mắt xích hữu cơ, bổ sung chức năng cho nhau, kết nối thông minh, điều phối linh hoạt và chia sẻ lợi ích trong một tổng thể hài hòa” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, Thành phố cần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kinh tế tư nhân mạnh không phải bằng khẩu hiệu mà bằng hành động cụ thể.

Thực tế cho thấy không có nền kinh tế hiện đại nào mà thiếu doanh nghiệp đổi mới, thiếu lực lượng khoa học - công nghệ ứng dụng, thiếu thế hệ doanh nhân năng động, hội nhập có tư duy phụng sự xã hội, tầm nhìn toàn cầu và khát vọng xây dựng quốc gia hùng cường. 

Bình luận