Tại cuộc họp báo quốc tế sáng 17/6 về sửa đổi Hiến pháp 2013 và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, việc tổ chức lại đơn vị hành chính, trong đó có đề xuất sáp nhập Bình Dương – TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, đang cho thấy “dư địa rất tốt” để tái cơ cấu sản xuất công nghiệp gắn với hạ tầng giao thông – logistics liên vùng.
Theo Thứ trưởng Hùng, việc tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy là một bước trong lộ trình chuyển đổi mô hình quản lý. Tuy nhiên, tinh giản không phải mục tiêu cuối cùng mà là hệ quả của quá trình cải cách tổng thể nhằm hướng tới mô hình chính quyền kiến tạo – gần dân, sát dân, phục vụ doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là quá trình cải cách này không làm phát sinh rào cản cho môi trường đầu tư, mà ngược lại, đang tạo ra các đơn vị hành chính quy mô đủ lớn để kết nối vùng, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, giảm chi phí, tăng tính chủ động cho địa phương.
Việc sáp nhập địa phương, theo ông Hùng, còn tạo thêm kỳ vọng với nhà đầu tư nước ngoài. Minh chứng là trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh của khối đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 18,38 tỉ USD – tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm trước, trùng thời điểm Việt Nam đẩy mạnh cải cách cơ cấu và thể chế.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, tập trung phân cấp mạnh mẽ cho cấp cơ sở – nơi trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp. Việc này giúp rút ngắn quy trình xử lý, giảm chi phí tuân thủ, tăng minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ.
Đặc biệt, tiến trình cải cách hành chính hiện nay gắn liền với chuyển đổi số. Hàng loạt thủ tục sẽ được xử lý trực tuyến thông qua cơ chế một cửa, nền tảng điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả vận hành và cải thiện trải nghiệm cho người dân, doanh nghiệp.
“Cần nhấn mạnh rằng việc tổ chức lại bộ máy không nhằm làm khó doanh nghiệp, mà tạo thêm động lực và không gian cho đầu tư, nhất là từ các nhà đầu tư chiến lược,” Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Về mặt thể chế, ông Phạm Tất Thắng – Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – cho rằng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cải cách có tính lịch sử, tạo chuyển biến từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ người dân.
Ông cũng nhấn mạnh đề án này là bước đi hệ trọng được Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt lưu ý. Từ việc bố trí lại địa giới hành chính, sắp xếp bộ máy, đến phân bổ nguồn lực và thẩm quyền, tất cả đều nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, mở ra thế phát triển bền vững với tầm nhìn ít nhất 100 năm tới.