Trung Quốc phản pháo EU

Trước cáo buộc từ Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến việc TikTok chuyển dữ liệu người dùng châu Âu sang Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định không can dự.

Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: “Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ yêu cầu bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào thu thập, xử lý hoặc lưu trữ dữ liệu theo cách trái pháp luật”.

Bà Mao nhấn mạnh Trung Quốc luôn đặt quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu lên hàng đầu, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật trong nước cũng như các công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ dữ liệu.

Trum Quco
Phát ngôn viên Mao Ninh - Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tuyên bố được đưa ra sau khi EU chính thức mở cuộc điều tra TikTok do lo ngại nền tảng video ngắn này đã vi phạm cam kết bảo mật thông tin cá nhân người dùng tại châu Âu. Trước đó, TikTok từng nhiều lần khẳng định chưa từng lưu trữ dữ liệu người châu Âu tại Trung Quốc, song vào tháng 4 vừa qua đã thừa nhận từng chuyển một số dữ liệu về máy chủ đặt tại Trung Quốc.

Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland, cơ quan quản lý chính sách quyền riêng tư của EU, đã vào cuộc và nhanh chóng mở điều tra. Đáng chú ý, vào tháng 5, EU đã xử phạt TikTok số tiền kỷ lục 530 triệu euro, với lý do không đảm bảo quyền riêng tư và khả năng ngăn chặn truy cập trái phép từ chính phủ Trung Quốc.

Hiện TikTok đang kháng cáo quyết định này, cho rằng nền tảng vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và pháp lý trong việc lưu trữ, mã hóa và xử lý dữ liệu, đồng thời cam kết tăng cường minh bạch với cơ quan quản lý châu Âu.

Đáp lại động thái của EU, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Brussels tôn trọng nguyên tắc thị trường, tránh các hành vi phân biệt đối xử và không chính trị hóa các vấn đề công nghệ. “Chúng tôi hy vọng EU sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp từ mọi quốc gia”, bà Mao nói thêm.

Vụ việc đang trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu, trong đó vấn đề an ninh dữ liệu và chủ quyền kỹ thuật số ngày càng được siết chặt. TikTok, với quy mô người dùng hàng trăm triệu tại châu Âu, liên tục bị đưa vào “tầm ngắm” của các chính phủ phương Tây do có nguồn gốc Trung Quốc, bất chấp việc nền tảng này đã xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu tại châu Âu để trấn an dư luận.

Các chuyên gia nhận định, cuộc điều tra lần này là phép thử với cả TikTok và chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực duy trì sự hiện diện tại các thị trường khó tính, nơi mà lòng tin ngày càng trở nên mong manh trước các yếu tố chính trị và bảo mật.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cảnh báo rằng, nếu mối lo ngại về dữ liệu không được giải quyết triệt để, các nền tảng công nghệ Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ bị “cấm cửa” tương tự như Huawei trong quá khứ.

Hiện phía TikTok và đại diện chính phủ Trung Quốc chưa công bố thêm thông tin về khả năng đàm phán hay giải trình trực tiếp với các cơ quan giám sát của EU trong thời gian tới.

Bình luận