EU tìm cách giảm phụ thuộc vào Mỹ sau động thái thuế quan mới

Liên minh châu Âu (EU) và nhiều đối tác thương mại lớn tiếp tục có phản ứng trước quyết định áp thuế đối ứng mới của Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8.

Trước những thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Washington, EU và một số quốc gia châu Á đang tìm cách thích ứng và đa dạng hóa thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Pháp - Italy lần thứ 7 tại Rome, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ có thể sẽ không thể quay trở lại như trước.” Theo bà, EU đang đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa các đối tác thương mại và hiện 80% kim ngạch thương mại của EU là với các đối tác ngoài Mỹ. Đây là bước đi chiến lược nhằm giảm mức độ tổn thương trước các chính sách thương mại đơn phương từ Washington.

EU - Thue quan My
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Strasbourg, Pháp - Ảnh: THX

Bà Ursula cũng cho biết EU vẫn đang tích cực đàm phán với Mỹ để đạt được một thỏa thuận sơ bộ, giữ thuế quan ở mức thấp nhất có thể và tạo điều kiện ổn định cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hai bên.

Từ châu Á, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya cũng kêu gọi duy trì một trật tự thương mại toàn cầu “tự do, công bằng và rộng mở”, trong cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia. Ông nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN – “trung tâm tăng trưởng toàn cầu” – và khẳng định Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế với ASEAN để đối phó với sự bất định trong thương mại quốc tế.

Đồng thời, ông Iwaya nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm nòng cốt, trong bối cảnh chính sách thuế mới của Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về xu hướng chủ nghĩa bảo hộ.

Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố nước này phản đối việc Mỹ lạm dụng công cụ thuế quan, sau khi Washington tuyên bố áp mức thuế 50% đối với mặt hàng đồng nhập khẩu với lý do “an ninh quốc gia”. Bắc Kinh cho rằng hành động này không có lợi cho bất kỳ bên nào và tiếp tục kêu gọi tuân thủ các nguyên tắc thương mại quốc tế.

Tại Sri Lanka, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nandalal Weerasinghe xác nhận Mỹ đã điều chỉnh mức thuế đối ứng với hàng hóa xuất khẩu của Sri Lanka, giảm từ 44% xuống còn 30%, trong khi mức thuế cơ bản 10% vẫn sẽ giữ nguyên đến ngày 1/8. Sri Lanka đang tranh thủ thời gian này để đàm phán giảm sâu hơn mức thuế áp dụng.

Ông Weerasinghe thừa nhận xuất khẩu của Sri Lanka sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, đồng thời cho biết chính phủ đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, dù quá trình này sẽ cần thời gian để thực hiện hiệu quả.

Các phản ứng đồng loạt từ EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Sri Lanka cho thấy tác động lan rộng từ chính sách thuế của Mỹ, đồng thời phản ánh nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì hệ thống thương mại đa phương và ổn định trước những thay đổi bất ngờ từ một nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bình luận