Gần 2.300 người tử vong do nắng nóng kéo dài ở châu Âu

Một báo cáo khoa học công bố ngày 9/7 cho biết khoảng 2.300 người đã tử vong vì nguyên nhân liên quan đến nắng nóng trong đợt sóng nhiệt nghiêm trọng kéo dài 10 ngày tại 12 thành phố lớn ở châu Âu.

Theo đó, đợt nắng nóng do sóng nhiệt vừa kết thúc vào ngày 2/7.

Theo nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Imperial College London và Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London thực hiện, có tới 1.500 trong số các ca tử vong này có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu - yếu tố khiến đợt nắng nóng trở nên dữ dội hơn.

“Biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ tăng cao hơn đáng kể so với mức bình thường, và điều này đồng nghĩa với mức độ nguy hiểm cao hơn,” tiến sĩ Ben Clarke, nhà nghiên cứu tại Imperial College London, nhận định.

Đợt sóng nhiệt này đã khiến nhiều khu vực ở Tây Âu ghi nhận nền nhiệt vượt ngưỡng 40°C - trong đó Tây Ban Nha đặc biệt bị ảnh hưởng nặng, và Pháp phải đối mặt với nhiều vụ cháy rừng dữ dội.

Nghiên cứu tập trung vào 12 thành phố lớn như Barcelona, Madrid (Tây Ban Nha), London (Anh) và Milan (Italy) - nơi các nhà khoa học cho biết nhiệt độ trong đợt nắng nóng đã tăng thêm tới 4°C do tác động của biến đổi khí hậu.

Để ước tính số người tử vong, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình dịch tễ học và dữ liệu tử vong trong quá khứ, nhằm xác định các ca mà nắng nóng là nguyên nhân trực tiếp hoặc khiến bệnh nền trở nên trầm trọng hơn.

Do phần lớn các ca tử vong liên quan đến nắng nóng không được ghi nhận chính thức, và một số chính phủ không công bố dữ liệu đầy đủ, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp đã được bình duyệt để đưa ra kết quả ước tính nhanh chóng.

OTTKJMLANBJ5LEXH722UGPYJV4
Một tình nguyện viên phát nước cho du khách tại khu di tích Acropolis ở Athens, Hy Lạp, khi nhiệt độ ngoài trời vượt mức 40 độ C, ngày 9/7/2025 - Ảnh: REUTERS

Nhiệt độ toàn cầu liên tục lập kỷ lục

Theo bản tin khí hậu tháng 7 của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu, tháng 6 vừa qua là tháng 6 nóng nhất thứ ba từng được ghi nhận trên toàn cầu - chỉ đứng sau cùng kỳ năm 2024 và 2023.

Tây Âu đã trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, với nhiều khu vực rơi vào trạng thái “căng thẳng nhiệt nghiêm trọng”, được định nghĩa là nhiệt độ thực tế kết hợp độ ẩm khiến cơ thể cảm nhận như ở mức từ 38°C trở lên.

“Trong bối cảnh trái đất ấm lên, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và ảnh hưởng đến nhiều người hơn trên khắp châu Âu,” bà Samantha Burgess - người đứng đầu nhóm chiến lược khí hậu tại Copernicus - cảnh báo.

HARFAHM5OZJ5BKEMSXSZWMTU5Y
Nhiều người chọn đến bãi biển để tránh nóng. Trong ảnh: bãi biển Glyfada ở Hy Lạp, ngày 8/7/2025 - Ảnh: REUTERS

Trước đó, một nghiên cứu khác công bố năm 2023 ước tính rằng có thể đã có tới 61.000 người tử vong trong các đợt nắng nóng cực đoan tại châu Âu năm 2022. Điều này cho thấy nỗ lực ứng phó với nhiệt độ cực đoan của nhiều quốc gia vẫn còn hạn chế nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu - chủ yếu do phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch - đã khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dần qua các năm.

 Sự gia tăng này khiến các đợt nắng nóng khi xuất hiện sẽ đạt đỉnh cao hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho sức khỏe cộng đồng.

Bình luận