Tại cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Kazuhiko Aoki đánh giá đây là một bước tiến tích cực trong quan hệ thương mại song phương, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản – vốn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Nhật Bản sang thị trường Trung Quốc.
Ông Aoki cho biết, Tokyo sẽ tiếp tục thúc đẩy để Bắc Kinh gỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế còn lại, hiện vẫn áp dụng với sản phẩm thủy hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản. Việc dỡ bỏ lần này là kết quả của thỏa thuận đạt được giữa hai bên vào tháng 9/2024, khi Trung Quốc đồng ý từng bước nối lại nhập khẩu thủy sản, với điều kiện được tham gia giám sát chất lượng nước biển gần khu vực xả thải, dưới sự điều phối của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Lệnh cấm được Trung Quốc ban hành sau khi Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) tiến hành xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển – một kế hoạch gây tranh cãi, nhưng được Nhật Bản khẳng định tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Phía Nhật Bản nhiều lần kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ biện pháp này, cho rằng lệnh cấm mang tính chính trị và không dựa trên cơ sở khoa học. Việc nối lại nhập khẩu lần này được xem là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu ghi nhận nỗ lực minh bạch và an toàn từ phía Nhật Bản trong xử lý khủng hoảng hạt nhân.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Shinjiro Koizumi cũng bày tỏ hoan nghênh, nhấn mạnh đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thủy sản. Ông khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất, chế biến thực hiện thủ tục đăng ký cần thiết để nhanh chóng khôi phục xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về triển vọng thương mại, ông Aoki cho biết còn quá sớm để dự đoán quy mô phục hồi xuất khẩu, song bày tỏ kỳ vọng vào nhu cầu cao từ Trung Quốc đối với một số mặt hàng đặc sản của Nhật như hải sâm, bào ngư và cua biển. Đây là các mặt hàng từng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nhật sang Trung Quốc trước khi có lệnh cấm.
Năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu, tương đương gần 900 triệu USD. Lệnh cấm năm 2023 khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản điêu đứng, đặc biệt là các tỉnh ven biển như Hokkaido, Aomori, Fukushima, Iwate…
Trong hơn một năm qua, Nhật Bản đã đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông quốc tế, công khai dữ liệu giám sát môi trường biển, và mời các đoàn quốc tế đến đánh giá hiện trường xả thải.
Việc Trung Quốc nới lỏng dần lệnh cấm được kỳ vọng sẽ mở đường cho các nỗ lực khôi phục xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2025 và giúp phục hồi chuỗi cung ứng thủy sản vốn bị gián đoạn nặng nề.
Giới phân tích đánh giá động thái mới này cũng có thể làm dịu căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á, vốn gặp nhiều trở ngại trong thương mại và an ninh khu vực những năm gần đây.