Tên lửa H-2A đã rời bệ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima thuộc tỉnh Kagoshima, phía tây nam Nhật Bản, vào lúc 1h33 phút ngày 29/06 (giờ địa phương), mang theo vệ tinh GOSAT-GW – một phần trong nỗ lực của chính phủ Tokyo nhằm tăng cường năng lực theo dõi và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo như kế hoạch khoảng 16 phút sau đó.
Đây là chuyến bay lần thứ 50 và cũng là cuối cùng của dòng tên lửa H-2A, vốn đã phục vụ Nhật Bản suốt từ năm 2001 với hồ sơ hoạt động gần như hoàn hảo, đưa nhiều vệ tinh và tàu thăm dò lên không gian. Sau khi H-2A ngừng hoạt động, toàn bộ vai trò sẽ được sẽ được chuyển sang cho mẫu H3, dòng tên lửa mới hiện đã đi vào hoạt động.

Tên lửa H-2A đã rời bệ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima thuộc tỉnh Kagoshima, phía tây nam Nhật Bản. - Ảnh: Getty Images.
Ông Iwao Igarashi, Tổng Giám đốc bộ phận hệ thống không gian của Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries, đơn vị vận hành dịch vụ phóng, chia sẻ, dù các lần phóng trước của H-2A diễn ra tương đối ổn định, họ vẫn gặp không ít khó khăn và đã nỗ lực vượt qua từng bước để đạt được cột mốc hôm nay.
Ông nhấn mạnh, khi chuyển sang sử dụng tên lửa H3, tập đoàn sẽ tiếp tục giữ vững lòng tin mà H-2A đã gây dựng suốt hơn hai thập kỷ qua.
GOSAT-GW là vệ tinh thứ ba trong chuỗi nhiệm vụ giám sát carbon, khí methane và các loại khí nhà kính khác trong khí quyển.
Trong vòng một năm tới, vệ tinh này sẽ bắt đầu cung cấp dữ liệu toàn cầu, như nhiệt độ bề mặt biển và lượng mưa, với độ phân giải cao hơn, phục vụ nhiều tổ chức, trong đó có Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Tên lửa đẩy H-2A, do Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển, đã thực hiện tổng cộng 49 chuyến bay trước đó, với tỉ lệ thành công đạt 98%. Từ năm 2007, Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries chính thức tiếp quản toàn bộ hoạt động phóng của dòng tên lửa này.
Trong suốt hơn 20 năm hoạt động, H-2A đã đưa nhiều vệ tinh và tàu thăm dò lên quỹ đạo thành công, trong đó có tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM năm 2024 và tàu thăm dò Hayabusa2 năm 2014 – thực hiện nhiệm vụ tiếp cận một tiểu hành tinh xa xôi, góp phần quan trọng vào chương trình không gian của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản xem năng lực vận chuyển không gian ổn định và có tính cạnh tranh thương mại là yếu tố then chốt cho chương trình không gian cũng như an ninh quốc gia.
Vì vậy, nước này đã đầu tư vào 2 mẫu tên lửa chủ lực thế hệ mới kế nhiệm H-2A, gồm mẫu H3 có kích thước lớn hơn, hợp tác với Mitsubishi phát triển, và mẫu Epsilon nhỏ hơn, do tập đoàn IHI đảm nhiệm.
Tên lửa H3 được thiết kế để mang tải trọng lớn hơn H-2A nhưng chi phí phóng chỉ bằng một nửa, nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản cho rằng, cần tiếp tục giảm chi phí hơn nữa nếu muốn tạo lợi thế vượt trội trong ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu.