Chiều ngày 29/5 (giờ địa phương), Tòa Phúc thẩm Liên bang tại Washington D.C. tạm thời khôi phục quyền áp thuế của Tổng thống Trump, đảo ngược phán quyết trước đó từ Tòa án Thương mại Quốc tế tại Manhattan, vốn đã chặn nỗ lực áp thuế dựa trên Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA).
Tòa phúc thẩm không nêu rõ lý do cho quyết định này, nhưng yêu cầu hai bên cung cấp lập luận bằng văn bản: nguyên đơn phải phản hồi trước ngày 5/6 và phía chính quyền Trump phản hồi trước ngày 9/6.
Động thái này cho phép chính quyền tiếp tục áp dụng mức thuế cơ bản 10% và mở rộng thêm với từng quốc gia trong thời gian chờ xét xử chính thức.

Chính phủ Mỹ hiện đang phải đối mặt với hơn 10 đơn kiện từ các bang và ít nhất 5 doanh nghiệp trong nước phản đối chính sách thuế quan này. Bộ Tư pháp Mỹ đã lên tiếng phản đối các phán quyết hạn chế quyền lực của Tổng thống, thậm chí cảnh báo có thể đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao.
Trong ngày 29/5, Thẩm phán Tòa án liên bang ở Washington D.C, ông Rudolph Contreras - cũng đưa ra phán quyết chặn kế hoạch thuế quan công bố ngày 2/4 của Nhà Trắng.
Thẩm phán Contreras cho rằng Quốc hội Mỹ, chứ không phải Tổng thống, mới có thẩm quyền áp thuế quan chiểu theo IEEPA.
Cố vấn thương mại Peter Navarro, người ủng hộ chính sách thuế mạnh mẽ, cho biết chính quyền Trump đang theo đuổi tất cả lựa chọn chiến lược để duy trì chương trình thuế quan, bao gồm khả năng sử dụng các công cụ pháp lý khác nếu các tòa án cấp thấp không đồng thuận.
Ông Navarro khẳng định: “Tôi đảm bảo với người dân Mỹ rằng chương trình thuế quan của Tổng thống Trump vẫn lành mạnh và sẽ tiếp tục để bảo vệ công ăn việc làm và nhà máy của các bạn.”
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết ba thỏa thuận thương mại mới đang gần được ký kết, kỳ vọng giúp chính quyền Trump củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán quốc tế.