Làn sóng phản đối này bùng lên sau khi một đoạn ghi âm cuộc điện thoại giữa bà Paetongtarn và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bị phía Phnom Penh rò rỉ.
Cuộc biểu tình, được tổ chức bởi nhóm “Liên minh Quyền lực Nhân dân Bảo vệ Chủ quyền”, là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi đảng Pheu Thai của bà Paetongtarn lên nắm quyền vào năm 2023.
Thiếu tướng Thawat Wongsanga, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Đô thị Bangkok, ước tính có khoảng 6.000 người tham gia vào giữa buổi chiều và dự kiến con số này có thể vượt 10.000 người vào tối cùng ngày.
Đáng chú ý, một lượng lớn người biểu tình là những người trên 50 tuổi, từng tham gia các cuộc biểu tình chống lại cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra – cha và cô của bà Paetongtarn.
Những người biểu tình đã tập trung tại Đài Tưởng niệm Chiến thắng từ 9h sáng, mang theo quốc kỳ Thái Lan. Ban tổ chức cam kết sẽ kết thúc biểu tình vào lúc 21h và không cắm trại qua đêm.
Lực lượng cảnh sát đã được triển khai dày đặc xung quanh khu vực, với hơn 200 camera an ninh, máy bay không người lái, đội rà phá bom và 8 chó nghiệp vụ K9 để giám sát và đảm bảo an ninh.

Trong bối cảnh cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi tại Bangkok, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang có mặt tại tỉnh Chiang Rai để thị sát tình hình lũ lụt nghiêm trọng. Bà cho biết đã chỉ đạo các cơ quan an ninh theo dõi sát sao diễn biến.
“Đó là quyền của họ được biểu tình, và cá nhân tôi không có ý định phản ứng,” bà Paetongtarn tuyên bố. Đồng thời, bà cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại nếu nhóm biểu tình mong muốn một cuộc thảo luận ôn hòa.
Bên cạnh áp lực từ các cuộc biểu tình, bà Paetongtarn còn đang đối mặt với một cuộc điều tra tư pháp. Một nhóm thượng nghị sĩ đã kiến nghị Tòa án Hiến pháp và Ủy ban chống tham nhũng quốc gia xem xét hành vi của bà liên quan đến cuộc điện thoại rò rỉ. Tòa án dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới để quyết định liệu có chấp nhận đơn kiện hay không, điều này có thể dẫn đến việc tạm đình chỉ chức vụ của bà trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng.
Đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo Thái Lan đối mặt với nguy cơ bị lật đổ thông qua con đường pháp lý. Người tiền nhiệm của bà Paetongtarn, ông Srettha Thavisin, từng bị Tòa án Hiến pháp cách chức vì vi phạm đạo đức. Hai chính phủ khác của gia đình Shinawatra trước đó cũng đã bị lật đổ bằng các cuộc đảo chính quân sự.
Mặc dù bác bỏ những lời kêu gọi từ chức, Thủ tướng 38 tuổi đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc đảng Bhumjaithai – thành viên lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền – đã rút khỏi chính phủ. Điều này khiến phe cầm quyền chỉ còn nắm giữ khoảng 255 ghế trong quốc hội 495 thành viên. Dù chính phủ của bà Paetongtarn vẫn duy trì được sự ủng hộ từ các đảng nhỏ trong liên minh, sức ép từ cả hệ thống chính trị lẫn dư luận sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với vị thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan này.