Động thái diễn ra trong bối cảnh chính trường nước này đang rúng động bởi tranh chấp biên giới với Campuchia và nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Theo Hãng tin Reuters, cuộc biểu tình do liên minh các nhóm chủ nghĩa dân tộc Thái Lan tổ chức – những lực lượng từng nhiều lần phản đối các chính phủ thân gia tộc Shinawatra trước đây.
Đây được xem là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi Đảng Pheu Thai lên nắm quyền vào năm 2023, phản ánh sự bất mãn ngày càng tăng trong xã hội Thái Lan.

Trước đó, Đảng Bhumjaithai – một trong những đối tác then chốt trong liên minh cầm quyền – tuyên bố rút lui hôm 18/6, sau khi một đoạn ghi âm cuộc gọi giữa bà Paetongtarn và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bị rò rỉ.
Trong đoạn ghi âm, bà Paetongtarn bị cáo buộc có lời lẽ xúc phạm Tư lệnh Quân khu 2 Thái Lan Boonsin Padklang và thể hiện sự nhượng bộ trước yêu cầu của phía Campuchia – hành động bị chỉ trích là tổn hại đến chủ quyền quốc gia.
Sự việc khiến bà Paetongtarn phải lên tiếng xin lỗi và đối mặt với nguy cơ bị điều tra bởi Tòa án Hiến pháp cùng Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC).
Đồng thời, làn sóng chỉ trích gia tăng khi ông Hun Sen – cựu Thủ tướng và hiện là Chủ tịch Thượng viện Campuchia – có bài phát biểu dài trên truyền hình, công khai công kích bà Paetongtarn và kêu gọi thay đổi chính quyền tại Thái Lan.
Trước sức ép từ công chúng, Thủ tướng Paetongtarn tuyên bố sẽ không đáp trả người biểu tình, đồng thời chỉ đạo các lực lượng an ninh duy trì trật tự trong suốt thời gian diễn ra cuộc tuần hành. “Đó là quyền của người dân, tôi sẽ không đáp trả”, bà nói.
Dù chưa có dấu hiệu bạo lực, song giới quan sát nhận định tình hình có thể trở nên khó lường khi phiên họp Quốc hội Thái Lan sắp tới có thể bao gồm nội dung bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Nếu điều này xảy ra, chính phủ do bà Paetongtarn dẫn dắt có thể rơi vào khủng hoảng, nhất là trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang ở thế đa số mong manh.
Căng thẳng biên giới với Campuchia, những mâu thuẫn trong nội bộ liên minh, cùng sức ép từ các nhóm dân tộc chủ nghĩa đang đặt ra thách thức lớn đối với sự tồn tại của chính phủ Thái Lan hiện tại.
Bộ Ngoại giao Thái Lan khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên giải pháp ngoại giao trong các tranh chấp, nhưng giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ bất ổn chính trị có thể tái diễn nếu căng thẳng không được kiểm soát kịp thời.