Theo chương trình Copernicus (châu Âu), 12 quốc gia ghi nhận tháng Sáu nóng nhất lịch sử, 26 nước khác xếp thứ hai. Khoảng 790 triệu người ở châu Âu, châu Á và châu Phi phải gồng mình dưới cái nóng cực đoan, mở đầu mùa hè trong bối cảnh biến đổi khí hậu tăng tốc.
Một đợt nắng nóng dữ dội tràn qua Tây và Nam Âu cuối tháng 6. Khu vực Paris, cùng nhiều vùng tại Bỉ và Hà Lan – vốn hiếm khi chịu nền nhiệt cao – đã trải qua đợt nóng ngột ngạt. Tại Thụy Sĩ, Italy và khắp Balkan, nhiệt độ trung bình tháng 6 cao hơn 3°C so với chuẩn giai đoạn 1981–2010.

Tây Ban Nha, Bosnia và Montenegro ghi nhận tháng Sáu nóng nhất từ trước đến nay. Pháp và Anh đứng thứ hai. Romania phát cảnh báo đỏ tại nhiều khu vực, với nền nhiệt dao động 38–41°C vào ban ngày, gây ra chỉ số nhiệt – độ ẩm vượt ngưỡng nguy hiểm 80 đơn vị. Một số tuyến đường bị cấm xe tải nặng do nguy cơ chảy nhựa đường.
Tại châu Á, Nhật Bản ghi nhận tháng Sáu nóng nhất kể từ năm 1898, với 14 thành phố lập kỷ lục. Nhiệt độ mặt biển tăng 1,2°C, tương đương kỷ lục năm 2024 – mức cao nhất từng được ghi nhận từ năm 1982. Hệ quả kéo dài: mùa hè 2024 nóng ngang năm 2023, tiếp theo là mùa thu ấm chưa từng có. Chu kỳ hoa anh đào cũng rối loạn – nở sớm hoặc không thể nở.
Hàn Quốc và Triều Tiên cùng trải qua tháng Sáu nóng nhất lịch sử. Trung Quốc ghi nhận 102 trạm khí tượng báo mức nhiệt cao chưa từng có trong tháng Sáu, nhiều nơi vượt 40°C. Ở Nam Á, Pakistan và Tajikistan đều chạm kỷ lục nóng, nối tiếp mùa Xuân thiêu đốt. Iran, Afghanistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan không nằm ngoài vòng xoáy, với nền nhiệt vượt xa trung bình nhiều năm.
Châu Phi cũng không tránh khỏi sức nóng dữ dội. Nigeria – nước đông dân nhất châu lục – chứng kiến mức nhiệt tháng Sáu ngang kỷ lục năm ngoái. Tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Cameroon, Congo và Ethiopia, tháng Sáu nóng thứ hai lịch sử. Riêng Nam Sudan vượt trung bình 2,1°C – đáng báo động tại một quốc gia vốn có khí hậu ổn định. Hồi tháng 3, nắng nóng khiến học sinh tại thủ đô Juba ngất xỉu, buộc chính phủ đóng cửa trường học.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến phát triển kinh tế – xã hội châu Phi, làm trầm trọng thêm nạn đói, mất an ninh và làn sóng di cư.
Tháng Sáu năm nay đã xé toang mọi kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu. Cái từng được gọi là “dị thường” đang dần trở thành hiện thực thường nhật. Thế giới không chỉ đối mặt với cái nóng, mà còn là chuỗi hệ lụy kéo dài về môi trường, y tế, giáo dục, kinh tế – đặc biệt nghiêm trọng tại những quốc gia đang phát triển, nơi hệ thống ứng phó còn quá mong manh.