Pháp rút quân hoàn toàn khỏi Tây Phi

Ngày 18/7, Pháp chính thức khép lại hơn hai thế kỷ hiện diện quân sự tại Tây Phi bằng việc bàn giao hai căn cứ cuối cùng ở Senegal, đánh dấu chấm hết cho một chương sử quân sự kéo dài.

Buổi lễ chuyển giao được tổ chức trang trọng tại thủ đô Dakar. Tư lệnh lực lượng Pháp tại châu Phi, Tướng Pascal Ianni, đã trao biểu trưng chìa khóa của trại lính Geille cho đại diện quân đội Senegal, trong lúc quốc ca Senegal vang lên và lá cờ quốc gia được kéo lên thay cho cờ Pháp.

"Việc chuyển giao trại Geille hôm nay đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước," Tướng Ianni phát biểu. "Chúng tôi rút quân theo yêu cầu của chính quyền Senegal, đồng thời tái tổ chức lực lượng phù hợp với thực tế mới trong khu vực."

Senegal - Phap
Binh lính Hải quân Senegal và các sĩ quan Pháp tham dự buổi lễ bàn giao cơ sở quân sự lớn cuối cùng của Pháp cho chính quyền Senegal -  Ảnh: Reuters

Động thái này diễn ra theo đúng tuyên bố của Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye từ năm 2024, rằng sự hiện diện lâu dài của quân đội nước ngoài, bao gồm Pháp, là không phù hợp với chủ quyền quốc gia. Việc rút quân được hai bên thống nhất thực hiện trong năm 2025, bắt đầu từ tháng 3.

Khác với các đợt rút quân đầy căng thẳng của Pháp tại Mali, Burkina Faso hay Niger – nơi các chính quyền quân sự yêu cầu Pháp rút đi và nhanh chóng ngả sang hợp tác với Nga – việc kết thúc hiện diện quân sự tại Senegal diễn ra trong tinh thần tôn trọng và đối thoại.

Tướng Ianni cho biết, mặc dù rút lực lượng thường trực, Pháp vẫn duy trì hợp tác thông qua các chương trình huấn luyện, chia sẻ thông tin và hỗ trợ kỹ thuật quân sự nếu có đề nghị từ phía Senegal.

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Senegal, Tướng Mbaye Cisse, khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì quan hệ quốc phòng hữu nghị và được hưởng lợi từ kinh nghiệm đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật từ Pháp.” Ông gửi lời chúc các sĩ quan và binh lính Pháp “thượng lộ bình an” khi trở về quê nhà.

Trước Senegal, các căn cứ quân sự của Pháp tại Chad – một đồng minh chống khủng bố Hồi giáo cực đoan trong vùng Sahel – cũng đã phải đóng cửa sau khi chính phủ nước này đơn phương hủy thỏa thuận quốc phòng vào năm ngoái.

Sự rút lui đồng loạt khỏi Tây và Trung Phi khiến vai trò chiến lược của Pháp tại khu vực bị thu hẹp đáng kể. Từ chỗ là một trong những quốc gia có hiện diện quân sự lớn nhất châu Phi, Pháp giờ chuyển hướng sang vai trò “đối tác huấn luyện và chia sẻ thông tin”.

Giới quan sát cho rằng động thái này phản ánh sự thay đổi trong quan hệ Pháp – châu Phi, khi làn sóng chống can thiệp từ bên ngoài ngày càng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và tinh thần độc lập đang trỗi dậy sau nhiều thập kỷ hậu thuộc địa.

Chính phủ Pháp khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong khuôn khổ hợp tác bình đẳng, dựa trên nhu cầu thực tế từ phía các nước đối tác – không còn vai trò kiểm soát hay can thiệp như trước đây.

Kết thúc buổi lễ tại Dakar, cờ Pháp được hạ xuống. Với đó, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện quân sự kéo dài hơn 60 năm của Pháp tại Tây Phi – khu vực từng là trung tâm ảnh hưởng địa chính trị của Paris tại lục địa đen.

 
Bình luận